Cảnh báo: 5 dấu hiệu có thai ngoài dạ con mẹ cần phải biết
Mặc dù không mong muốn nhưng 90% phụ nữ có thai ngoài dạ con đều không giữ được thai nhi. Vì vậy, mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu nhận biết có thai ngoài dạ con để xử trí kịp thời. Cùng Mebeaz tìm hiểu trong bài viết dưới đây để biết rõ hơn nhé!
Nội dung chính trong bài
Vì sao mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu có thai ngoài dạ con?
Thông thường, trứng gặp tinh trùng, thụ tinh thành công sẽ bám vào thành tử cung, hình thành phôi thai và phát triển ngày càng hoàn chỉnh. Trong suốt quá trình ấy, thai nhi sẽ nằm trong tử cung và được bảo vệ an toàn cho tới ngày chào đời.
Tuy nhiên, 1 số trường hợp có thai ngoài dạ con, hay còn gọi là có thai ngoài tử cung tức là thai nhi không nằm trong tử cung mà ở bên ngoài, phổ biến nhất là ở vòi trứng. Điều này thường xảy ra trong vài tuần đầu của thai kỳ.
Phụ nữ có thai ngoài dạ con có thể bị vỡ ối bất cứ lúc nào. Khi vỡ, máu sẽ chảy ồ ạt vào ổ bụng, thai nhi bị hỏng, người mẹ bị ngất xỉu, thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng. Vì vậy, cần sớm nhận biết dấu hiệu có thai ngoài dạ con để xử lý kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết phụ nữ có thai ngoài dạ con
Phụ nữ có thai ngoài dạ con cũng sẽ có những biểu hiện giống như mang thai bình thường (ốm nghén, không có kinh nguyệt, người mệt mỏi, chán ăn….). Ngoài ra còn có 1 số biểu hiện bất thường, mẹ cần chú ý như:
1. Chảy máu âm đạo bất thường: Đây là dấu hiệu có thai ngoài dạ con dễ nhận biết nhất. Âm đạo bị chảy máu (lượng máu có thể không nhiều, 1 ít ở đáy quần lót, lỏng và thường có màu nâu sẫm). Cần phân biệt với máu báo thai, vì máu báo thai chỉ ra ở cuối chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi chậm kinh vài ngày.
2. Đau bụng dưới: Khi cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bụng dưới (bên phải hoặc bên trái vùng dưới rốn) hoặc vùng gần trực tràng. Các cơn đau có thể không thường xuyên, thỉnh thoảng bị nhói lên nhưng mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua vì đó rất có thể là dấu hiệu có thai ngoài dạ con.
3. Đau vai, cổ: Có thai ngoài dạ con sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết trong. Từ đó gây cảm giác đau vai, cổ. Tuy nhiên, các mẹ thường không để ý dấu hiệu này và cho rằng mình bị đau do tác nhân vật lý (va đập, khiêng vác nặng…) hoặc liên quan đến xương khớp.
4. Chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi: Đây là những dấu hiệu phụ nữ mang thai bình thường cũng gặp phải. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn mửa xảy ra liên tục, dữ dội, khiến cơ thể xanh xao, người kiệt sức thì mẹ cũng không nên chủ quan vì nó cũng là dấu hiệu khi có thai ngoài dạ con.
5. Phụ nữ có thai ngoài dạ con cũng sẽ có triệu chứng đi tiểu buốt, đau vì quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến bàng quang và ruột, đặc biệt là khi mang thai ngoài dạ con. Người mẹ sẽ cảm thấy khó chịu mỗi lần đi vệ sinh.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao có thai ngoài dạ con
Có thai ngoài dạ con là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ người phụ nữ nào. Tuy nhiên, nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn:
– Phụ nữ nhiều tuổi (trên 35 tuổi).
– Phụ nữ từng hút, nạo, phá thai nhiều lần.
– Phụ nữ mắc các bệnh như: viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung… hoặc các bệnh lây qua đường tình dục như: lậu, giang mai…
– Phụ nữ có tiền sử mang thai ngoài dạ con.
– Thường xuyên hút thuốc lá trước khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ có thai ngoài dạ con.
Cách xử trí khi có thai ngoài dạ con
Như đã nói ở trên thì phụ nữ có thai ngoài dạ con sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, khả năng giữ được cũng rất thấp (90% là hỏng). Đồng thời, sức khỏe của mẹ cũng bị ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Vì vậy, khi thấy có những triệu chứng có thai ngoài dạ con, người mẹ cần đi khám bác sĩ gấp để xử trí kịp thời:
– Bác sĩ có thể sẽ dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào, làm phôi thai chết dần và tự đào thải ra khỏi cơ thể.
– Hoặc thực hiện phẫu thuật để lấy phôi thai ra ngoài (trong trường hợp phôi thai đã phát triển lớn hơn).
Mẹ cần lưu ý gì để giảm nguy cơ có thai ngoài dạ con?
– Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh viêm nhiễm, mắc các bệnh phụ khoa.
– Không hút thuốc khi có ý định mang thai.
– Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả vitamin, thuốc bổ.
– Khám thai định kỳ để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường, tránh trường hợp phát hiện có thai ngoài dạ con quá muộn gây nguy hiểm cho cả tính mạng của người mẹ.
Giải đáp một số câu hỏi thường gặp khi có thai ngoài dạ con
Thai ngoài dạ con có giữ được không?
90% phụ nữ có thai ngoài dạ con không giữ được.
Thai ngoài dạ con có đẩy vào được không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bác sĩ chỉ có thể tiến hành phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc để đưa phôi thai ra ngoài.
Có thai ngoài dạ con thử que được không?
CÓ. Vì phụ nữ có thai ngoài dạ con vẫn có những biểu hiện như mang thai bình thường, thử que vẫn lên 2 vạch, chỉ khác là phôi thai không nằm trong tử cung. Một số trường hợp có thai nhưng thử que không lên thì cũng có thể là dấu hiệu mang thai ngoài dạ con vì nồng độ HCG trong máu giảm dần.
Có thai ngoài dạ con có kinh nguyệt không?
Vì trứng gặp tinh trùng, thụ tinh thành công nên kinh nguyệt sẽ KHÔNG xuất hiện nữa.
Có thai ngoài dạ con siêu âm có thấy không?
Sau ít nhất 5 tuần thụ thai thành công mới có thể dùng máy siêu âm để xác định có thai hay không và thai có nằm trong tử cung hay không.
Thai ngoài dạ con mấy tuần thì vỡ?
Câu trả lời rất khó xác định vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (vị trí phôi thai làm tổ, kích thước phôi thai, sức khỏe của người mẹ…) . Vì vậy, cần đi khám bác sĩ để xác định và có biện pháp xử trí kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, giúp chị em nhận biết được những dấu hiệu có thai ngoài dạ con để xử trí kịp thời. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, các mẹ có thể để lại bình luận phía dưới bài viết, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Mebeaz.com