Mẹ sau khi sinh mấy tháng thì được ăn rau sống? Cần lưu ý gì?
Mùa nướng, lẩu đã đến… Được ăn miếng thịt nướng kèm với các loại rau sống thì đúng là ngon hết sảy. Vậy nhưng sau khi sinh mấy tháng thì được ăn rau sống? Em nghe nói bà đẻ cần kiêng rau sống vì sợ tiêu chảy, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Điều này có đúng không và phải kiêng đến bao giờ?
(Đỗ Hoài An, HN)
- Mẹ cũng thắc mắc: Sau sinh ăn rau dền được không?
Nội dung chính trong bài
Trả lời
Bạn Hoài An thân mến! Trước hết, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho các chuyên gia của Mebeaz. Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ bỉm sữa, đặc biệt là những người thích ăn rau sống: ăn trong bữa cơm hàng ngày hoặc ăn cùng với các món thịt nướng, lẩu, cuốn nem, phở… đều giúp kích thích vị giác, tăng độ hấp dẫn của món ăn.
Tuy nhiên, đúng như tên gọi thì rau sống lại được dùng chủ yếu để ăn sống – điều các bà mẹ sau sinh không nên làm vì hệ tiêu hóa lúc này vẫn còn yếu, chỉ được ăn chín – uống sôi để đảm bảo sức khỏe. Vậy việc ăn rau sống sau khi sinh có nên không? Khi nào thì được ăn? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu:
Rau sống gồm những rau gì? Sau khi sinh ăn rau sống có tốt không?
– Rau sống là tên gọi chỉ chung cho các loại rau và lá ở dạng tươi sống được dùng làm món ăn kèm theo trong các bữa ăn. Một số loại rau thường được dùng ăn sống nhiều nhất như: xà lách, rau diếp, rau ngổ, rau mùi, kinh giới, rau đắng, rau tần ô (cải cúc), rau má, giá đỗ, húng, tía tô, húng quế…..
– Rau sống có tác dụng làm ngon miệng, chống ngán khi ăn các món thịt, cá nhiều dầu, mỡ, hay các món chiên, xào, nướng, quay…. nên các bà mẹ sau sinh ăn rau sống để tăng khẩu vị.
– Ngoài ra, rau sống cũng tốt cho sức khỏe vì đa dạng các loại rau sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin A, C, E… chất khoáng và một số yếu tố vi lượng…..
– Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Vì vậy, với câu hỏi sau khi sinh ăn rau sống có tốt không? Câu trả lời là CÓ.
Tuy nhiên, cần ăn đúng cách để đảm bảo không gây hại. Vì hệ tiêu hóa lúc mới sinh của mẹ còn yếu, cần ăn chín, uống sôi, đồng nghĩa với việc phải kiêng các loại rau sống trong thời gian đầu.
Vậy sau khi sinh mấy tháng thì được ăn rau sống?
Không có khoảng thời gian chính xác về việc sau khi sinh mấy tháng thì được ăn rau sống vì điều này phụ thuộc vào cơ địa cũng như mức độ hồi phục của từng người. Bà đẻ chỉ nên ăn rau sống khi cảm thấy hệ tiêu hóa đã ổn định trở lại, sức khỏe tốt, cơ thể khỏe khoắn.
Thông thường, với những bà mẹ sinh thường thì mất khoảng 3 – 4 tháng, còn sinh mổ thì lâu hơn, 5 – 6 tháng. Tốt nhất nên kiêng trong 3 tháng đầu vì rau sống ẩn chứa nhiều giun, vi khuẩn gây bệnh…. Ăn vào dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy, nghiêm trọng hơn có thể gây ngộ độc. Từ đó, bé bú mẹ cũng bị ảnh hưởng theo, gây ảnh hưởng tới sự phát triển.
Bà mẹ sau khi sinh ăn rau sống cần lưu ý những gì?
Bên cạnh việc chú ý thời gian sau khi sinh mấy tháng mới được ăn rau sống. Các bà mẹ cũng cần chú ý:
– Rửa sạch các loại rau sống trước khi ăn bằng cách ngâm nước muối loãng hoặc xả sạch nhiều lần dưới vòi nước trực tiếp để loại bỏ giun, sán, ký sinh trùng… Để khô ráo nước trước khi ăn.
– Nên chọn mua ở những địa chỉ uy tín để tránh mua phải rau phun thuốc. Rau sống cũng dễ trồng nên tốt nhất, các mẹ hãy tự trồng riêng cho mình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Không nên bảo quản rau sống trong tủ lạnh lâu ngày vì nó sẽ mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng.
– Các bà mẹ sau khi sinh cũng không nên ăn rau sống thường xuyên. Hãy ăn thêm nhiều loại rau khác bổ dưỡng hơn, đồng thời được chế biến chín kỹ, an toàn hơn.
Tóm lại, sau khi sinh ăn rau sống không những làm tăng thêm khẩu vị mà còn mang lại những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, bà mẹ cần lưu ý sau sinh 3 – 4 tháng, khi hệ tiêu hóa dần ổn định trở lại mới được ăn (với điều kiện rau đảm bảo nguồn gốc và được rửa sạch). Còn để yên tâm hơn, các mẹ tốt nhất nên trần chín kỹ mới ăn hoặc ăn không quá thường xuyên nhé! Hãy ăn chín – uống sôi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nguồn: Mebeaz.com