Vì sao trẻ sơ sinh hay bị giật mình? 5 cách giúp cải thiện hiệu quả
Trẻ sơ sinh bị giật mình là hiện tượng thường gặp, nhất là lúc đang ngủ. Bé giật mình rồi mếu, thậm chí khóc ré lên, dỗ mãi mới nín. Vậy nguyên nhân vì sao lại như vậy? Mẹ nên làm gì để trẻ bớt giật mình, ngủ ngon giấc hơn? Cùng Mebeaz theo dõi bài viết dưới đây để biết cách xử lý nhé!
Nội dung chính trong bài
Vì sao trẻ sơ sinh hay bị giật mình?
Trẻ sơ sinh bị giật mình có thể do phản xạ tự nhiên của cơ thể hoặc do bị các yếu tố bên ngoài tác động. Vì vậy, chúng tôi chia thành 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Trẻ sơ sinh bị giật mình theo phản xạ tự nhiên
Điều này giống như phản xạ bú mẹ, tìm vú, phản xạ bước đi, tập nói…. Phản xạ giật mình thường diễn ra như sau: Bé ưỡn căng người, giơ hai tay bật lên và xòe ra ngoài, các ngón tay cũng xòe ra, đầu gối co lên, sau đó bé kéo cánh tay và bàn tay đã nắm chặt thành nắm đấm về sát cơ thể mình.
Hiện tượng giật mình ở trẻ sơ sinh thường chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi, như một phản ứng mang tính tự vệ giúp bé bảo vệ mình trước những mối đe dọa và khi có cảm giác bất an.
Trẻ sơ sinh bị giật mình, thường xuyên nhất là về đêm. Nhiều bé sau đó có thể ngủ được luôn, nhiều bé vì vậy mà thức giấc rồi quấy khóc, mẹ phải dỗ mãi mới nín.
Trường hợp 2: Trẻ sơ sinh bị giật mình do yếu tố bên ngoài tác động
– Tiếng ồn khiến trẻ sơ sinh giật mình: Bé đang trong bụng mẹ được bao bọc, bảo vệ cẩn thận, không gian yên tĩnh, bỗng nhiên ra thế giới bên ngoài lạ lẫm với đủ thứ âm thanh: tiếng đóng, mở cửa, tiếng chuông điện thoại, tiếng người nói chuyện to… đều có thể khiến bé bị giật mình.
– Ánh sáng quá chói: Tương tự như âm thanh thì ánh sáng trong phòng quá chói cũng có thể khiến trẻ sơ sinh giật mình, do thị giác của trẻ còn yếu, hơn nữa lại chưa quen với điều kiện ánh sáng bên ngoài. Bé thậm chí còn có thể cảm thấy hoang mang, sợ hãi.
– Bé phải nằm ngủ 1 mình trong nôi hoặc nằm ngủ 1 mình trên giường: Nhiều bà mẹ khi thấy con bắt đầu ngủ thì đặt xuống nôi/giường để tranh thủ làm những việc khác. Tuy nhiên, việc đột ngột thay đổi như vậy sẽ khiến bé cảm thấy bất an, không được ôm ấp trong vòng tay mẹ và dễ bị giật mình tỉnh giấc.
– Ngoài ra, 1 số yếu tố khác cũng có thể khiến trẻ sơ sinh bị giật mình như: vui đùa quá khích với trẻ trước khi đi ngủ hoặc cho bé nghe nhạc sôi động… khiến thần kinh bị kích thích, bé bị đói khi đi ngủ, tã, bỉm bị ướt, khó chịu…..
5 cách giúp giảm tình trạng giật mình ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị giật mình ngủ sẽ không ngon giấc, ngủ ít, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển trí não và thể chất. Đồng thời, người mẹ cũng gặp không ít rắc rối khi con thường xuyên giật mình rồi quấy khóc. Vậy phải làm sao để cải thiện tình trạng này?
1. Kiểm tra lại yếu tố âm thanh, ánh sáng xung quanh phòng
Để trẻ sơ sinh không bị giật mình khi ngủ, mẹ cần đảm bảo không gian phòng thật yên tĩnh, hạn chế tối đa tiếng ồn, từ tiếng điện thoại, tivi, máy tính, tiếng nói chuyện quá lớn.
Đồng thời, yếu tố ánh sáng cũng rất quan trọng. Mẹ không cần tắt điện tối om, nên để đèn ngủ dịu nhẹ, không quá chói mắt, vừa khiến bé cảm thấy an toàn như trong bụng mẹ, vừa giúp mẹ thuận tiện trong việc thay bỉm, pha sữa…
2. Đặt bé nằm trên nôi/giường khi bé vẫn còn tỉnh
Nếu mẹ bận việc, không thể ôm bé khi ngủ hoặc muốn bé ngủ 1 mình thì hãy thay đổi từ từ để bé có thể thích nghi với điều này. Để trẻ sơ sinh không bị giật mình, thay vì đặt bé xuống khi đã ngủ, mẹ nên đặt bé nằm trên nôi/giường khi vẫn còn tỉnh hoặc mới chỉ lim dim chưa ngủ hẳn. Đồng thời, mẹ nên bế bé càng sát thân mình càng tốt khi từ từ hạ bé vào nôi hay xuống giường.
Như vậy sẽ khiến bé vẫn có cảm giác ở gần mẹ và không bị hụt hẫng do thay đổi tư thế nằm đột ngột. Hơn nữa, bé cũng sẽ học được cách tự ngủ, không hay giật mình quấy khóc.
3. Quấn khăn để trẻ sơ sinh không bị giật mình
Trẻ sơ sinh ra bên ngoài nhất thời chưa quen với môi trường được bao bọc như trong bụng mẹ nên dễ bị giật mình. Do đó, mẹ có thể tạo 1 môi trường gần giống như vậy bằng cách quấn 1 lớp khăn mỏng để bé có cảm giác an toàn.
Tuy nhiên, không nên quấn khăn quá chặt, hoặc quá dày khiến bé ngột ngạt, khó thở. Cách này cũng giúp bé hạn chế tình trạng bé vô thức vung tay vỗ trúng mặt mình và giật mình thức dậy.
4. Khuyến khích trẻ sơ sinh vận động
Trẻ sơ sinh vận động nhiều không những giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, chân tay linh hoạt mà còn giúp bé sớm kiểm soát được hành vi của mình. Mẹ có thể thử cho bé nằm sấp để tự ngóc đầu lên, giữ bé ngồi trong lòng để bé tập kiểm soát đầu và cổ… Khi bé lớn hơn và kiểm soát được cử động cơ thể thì sẽ không còn giật mình thường xuyên nữa.
5. Cho trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng giật mình không được cải thiện
Như đã nói ở trên thì trẻ sơ sinh giật mình là phản xạ tự nhiên của cơ thể, thường diễn ra nhiều nhất trong tháng đầu và tự biến mất khi bé được 2 – 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này sau 3 tháng vẫn không được cải thiện, bé thường xuyên bị giật mình tỉnh giấc, ngủ không ngon, quấy khóc, chậm tăng cân… thì mẹ tuyệt đối không nên chủ quan.
Trẻ sơ sinh giật mình thường xuyên có thể do thiếu canxi hoặc vitamin D, hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến thần kinh, trào ngược dạ dày…. Do đó, mẹ cần cho bé đi khám để sớm phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
1 số lưu ý để trẻ sơ sinh ngủ không bi giật mình
– Mẹ nên cho bé bú trước khi đi ngủ, “ấm dạ” sẽ giúp bé ngủ ngon hơn.
– Không đùa vui quá khích với trẻ trước khi đi ngủ.
– Thay tã, bỉm sạch sẽ cho trẻ trước khi đi ngủ để đảm bảo bé luôn thoáng mát, thoải mái nhất.
– Nên mặc quần áo thoải mái, mềm mại, co giãn tốt để bé dễ chịu, không bị bí bách, đổ mồ hôi.
– Chú ý nhiệt độ phòng phù hợp và không gian phòng, hạn chế mùi lạ, ẩm mốc…
Trên đây là những nguyên nhân thường găp khiến trẻ sơ sinh giật mình và 1 số cách khắc phục hiệu quả. Chúc các mẹ áp dụng thành công để nuôi con dễ dàng hơn nhé!
Nguồn: Mebeaz.com