Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không, nguy hiểm khi lạm dụng

0 553

Khi con bị sốt, cha mẹ thường có tâm lý chung là dùng thuốc hạ sốt tại nhà. Việc này không nguy hiểm, tuy nhiên hiện nay, tình trạng lạm dụng và sử dụng quá liều thuốc hạ sốt khá phổ biến. Vậy cho trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không?

Nội dung chính trong bài

Thuốc hạ sốt là gì?

Sốt là một triệu chứng thường gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Do đó trong tủ thuốc của gia đình, thuốc hạ sốt là một loại không thể thiếu.

Trước khi trả lời câu hỏi trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem thuốc hạ sốt là gì nhé!

Thuốc hạ sốt là chất làm giảm tình trạng sốt. Thuốc hạ sốt được chia thành nhiều loại, dành riêng cho từng đối tượng như trẻ em, người lớn, phụ nữ có thai và người cao tuổi.

Khi dùng thuốc cho trẻ em, nên chọn thuốc có thành phần Paracetamol vì nó cho hiệu quả nhanh, lại ít tác dụng phụ. Thuốc hạ sốt có Ibuprofene và Aspirin chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Với trẻ em, nên dùng loại thuốc hạ sốt dạng bột hoặc siro có nhiều hương vị khác nhau, chúng dễ hoà tan, dễ uống và hấp thu cũng tốt hơn.

Trẻ uống thuốc hạ sốt bao nhiêu bị coi là nhiều?

Sốt ở trẻ em đa phần dễ xử lý và cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc tại nhà. Giống như các loại thuốc khác, thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ cũng cần có liều lượng cụ thể.

Trước khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cần đo lại thân nhiệt để biết rằng sau khi uống thuốc trẻ có hạ sốt hay không. Cha mẹ tham khảo cách đo thân nhiệt TẠI ĐÂY.

Đối với thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol, liều dùng là 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ. Nếu trẻ bị suy thận thì khoảng cách giữa các lần dùng thuốc hạ sốt ít nhất là 8 giờ.

Cho trẻ uống quá liều lượng kể trên bị coi là uống nhiều thuốc hạ sốt. Vậy thì trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không?

Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không?

Cha mẹ thường mắc sai lầm cho trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt, đó là nhiều về liều lượng mỗi lần uống, hoặc nhiều về số lần dùng thuốc trong ngày. Nguyên nhân có thể do trẻ chưa hết sốt, hoặc trẻ đã dừng sốt nhưng cha mẹ vẫn cho uống thêm để “chắc ăn”.

Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không? Tất nhiên là có.

Mặc dù Paracetamol là một loại thuốc dễ sử dụng cho trẻ em, nhưng nếu lạm dụng vẫn có thể gây hại. Trong đó phải kể đến ngộ độc gan vì đây là nơi chuyển hoá thuốc hạ sốt.

Trong cơ thể, paracetamol được chuyển hóa hình thành N-acetyl benzoquinoneimin. Đây là một chất độc nhưng nếu dùng đúng liều lượng thì nó sẽ được khử độc bởi glutathion do gan tiết ra. Nếu cho trẻ uống quá nhiều thuốc hạ sốt, gan không đủ sức tiết ra lượng glutathion cần thiết, vì thế mới dẫn đến tổn thương tế bào gan.

Nếu tình trạng lạm dụng thuốc hạ sốt diễn ra trong thời gian dài, các tế bào gan của trẻ sẽ dần bị phá huỷ, dẫn đến nguy cơ suy gan, viêm gan, vàng da, vàng mắt, xuất huyết dưới da, rối loạn đông máu.

Theo GS Alastair Sutcliffe, Bác sĩ Nhi khoa đầu ngành của Đại học London, lạm dụng thuốc hạ sốt ở trẻ em không chỉ làm hại gan mà còn có thể làm gia tăng nguy cơ bị bệnh hen, tổn thương thận, tim. Đây là điều ít ai ngờ tới.

Trong đó tuỳ thuộc vào thể trạng mà mỗi trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau.

Làm gì để tránh lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ?

Như vậy chúng ta đã có đáp án cho câu hỏi trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không. Để tránh tình trạng lạm dụng thuốc hạ sốt ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trẻ đạt 38.5 độ C. Trẻ sốt nhẹ hơn không nhất thiết phải dùng thuốc mà có thể sử dụng phương pháp chườm bằng nước ấm. 
  • Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng tuổi uống thuốc hạ sốt, dù là bất cứ loại nào.
  • Nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol dạng đơn chất, bột hòa tan được trong nước hoặc siro để dễ dàng chia liều. Nếu dùng siro thì phải đo bằng ống chuyên dụng, không được ước lượng bằng mắt hoặc thìa cà phê.
  • Có thể thay thuốc hạ sốt đường uống bằng viên đặt hạ sốt. Nó vẫn có tác dụng giảm sốt mà lại không gây hại nhiều đến nội tạng.
  • Dừng thuốc khi thấy trẻ ngừng sốt.
  • Nếu trẻ đã uống thuốc hạ sốt mà sau 24 giờ vẫn không thuyên giảm, hãy ngừng việc uống thuốc tại nhà, thay vào đó cần đưa trẻ đến bệnh viện.
  • Đặc biệt lưu ý đến hạn sử dụng của thuốc hạ sốt, tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc đã hết hạn hoặc thuốc hạ sốt dạng bột có dấu hiệu bị vón cục.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.