Tết Trung thu 2020 là vào ngày nào? Sự tích, ý nghĩa, biếu quà gì?

0 2.152

Tết Trung thu (Rằm tháng 8) năm 2019 đã qua đi một cách rất vui vẻ và hạnh phúc, được nhiều người mong chờ, đặc biệt là trẻ con. Vậy năm nay, Trung thu 2020 sẽ vào ngày nào? Chương trình Tết Trung thu cho thiếu nhi gồm những gì: các bài hát, phá cỗ, trông trăng, bánh, mâm cơm Trung thu như thế nào? Quà biếu Trung thu là gì? 

Cùng Mebeaz theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời cũng như hiểu rõ hơn về sự tích, ý nghĩa của Tết Trung thu. Tết Trung thu có ở những nước nào? Ở Việt Nam có khác gì so với những nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…hay không? 

Nội dung chính trong bài

Tết Trung thu
Tết Trung thu

Sự tích, nguồn gốc Tết Trung thu

Tết Trung Thu từ lâu đã trở thành ngày Tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi) hay còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Tết Trung thu tên tiếng Anh được gọi là Mid-autumn Festival hoặc Full-moon Festival. 

Cho tới ngày nay, dân gian vẫn lưu truyền rất nhiều sự tích về Tết Trung thu. Dưới đây là 3 sự tích quen thuộc nhất:

1. Sự tích Chú Cuội – chị Hằng 

Nhân gian tương truyền rằng, Hằng Nga là vị thần luôn ao ước một lần xuống trần gian dạo chơi. Vào năm đó, Ngọc Hoàng mở cuộc thi làm bánh, Hằng Nga có dịp xuống trần để tìm hiểu cách làm và gặp Cuội.

Cuội ta chẳng có tài gì ngoài việc làm ra một loại bánh nướng với tất cả các nguyên liệu như trứng, lạp xưởng, thịt, hạt dưa, hạt sen. May mắn thay, loại bánh đó cực ngon và đạt giải nhất.

Trong lúc Hằng Nga bay về trời, Cuội đã bám vào gốc đa rồi bay lên cung trăng. Vì thế, mỗi khi nhìn lên mặt trăng chúng ta đều thấy một vết đen và những đứa trẻ tin rằng ấy là Chú Cuội.

2. Sự tích Hậu Nghệ – Hằng Nga

Theo truyền thuyết, hai vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga là những vị thần sống bất tử. Một ngày kia 10 con trai của Ngọc Hoàng biến thành 10 Mặt Trời làm cho mặt đất nóng bỏng, gây ra biết bao đau khổ cho nhân gian.

Thấy thế Ngọc Hoàng bèn sai Hậu Nghệ đến giúp. Chàng đã bắn hạ 9 Mặt Trời và chỉ để lại một người con của Ngọc Hoàng làm Mặt Trời sưởi ấm cho nhân gian. Ngọc Hoàng vô cùng tức giận khi chứng kiến cảnh Nghệ vì cứu mặt đất và sinh linh đã giết chết 9 con trai của mình. Như một sự trừng phạt, vợ chồng Nga – Nghệ bị đày xuống trần gian làm người phàm.

Không thể chịu được khi thấy vợ mình đau khổ vì mất đi khả năng bất tử và ngày càng trở nên già nua xấu xí, Hậu Nghệ quyết định ra đi tìm thuốc trường sinh.

Trải qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng chàng cũng gặp được Tây Vương Mẫu. Cảm động trước tấm lòng của chàng Nghệ, Tây Vương Mẫu đồng ý cho Nghệ một viên linh đơn và dặn rằng: Mỗi người chỉ nên uống nửa viên để có được sự sống trường tồn.

Trong một lần Nghệ đi vắng, Hằng Nga thấy chiếc hộp linh đơn sáng lấp lánh ở góc nhà nên tò mò mở ra xem. Bất thình lình Nghệ về, vì sợ chàng thấy mình lục lọi nên Hằng Nga nuốt luôn viên linh đơn vào bụng mà không biết mỗi người chỉ được uống nửa viên. 

Do tác dụng của thuốc quá mạnh, Hằng Nga đã bay về mặt trăng mà không thể cứu vãn được. Kể từ đó cả hai người đã phải sống trong tình cảnh chia lìa, ngăn cách.

Theo tương truyền, trên cung trăng, Hằng Nga làm bạn với thỏ ngọc. Thỏ Ngọc ngày đêm cố gắng làm ra một loại thuốc để nàng còn quay về nhân gian nhưng tất cả đều vô dụng. Từ đó, Hằng Nga và thỏ ngọc đều sống trên cung trăng và không về trần gian được nữa. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ vẫn tin rằng vào ngày Rằm tháng 8 chị Hằng sẽ xuống trần dạo chơi và phát quà cho các bé thiếu nhi.

3. Sự tích vua Đường Minh Hoàng

Theo truyền thuyết, vua Đường Minh Hoàng trong một lần dạo chơi ở vườn Ngự Uyển vào đêm Rằm tháng 8 đã gặp một vị đạo sĩ và được y làm phép đưa vua lên cung trăng.

Vì quá say mê cảnh sắc tuyệt trần, nhà vua quên cả việc trở về trần gian khi trời đã gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về trong sự tiếc nuối.

Về sau nhà vua ra lệnh cho dân chúng ở nhân gian tổ chức rước đèn, ăn tiệc vào rằm tháng 8. Và đây đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa ngày nay.

Ý nghĩa Tết Trung thu

Tết Trung thu mới đầu là Tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà, ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần, Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó.

Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. 

Mâm cỗ Tết Trung thu gồm: Bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các loại hoa quả. Đây là ngày gia đình đoàn viên, thể hiện sự yêu thương, biết ơn ông bà, cha mẹ, gắn kết tình thân, tình bằng hữu. 

Ngoài ra, ý nghĩa Tết Trung thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Tết Trung thu diễn ra vào ngày nào?

Đúng như tên gọi thì Tết Trung Thu (Rằm tháng 8) sẽ diễn ra vào giữa tháng 8, theo Âm lịch tức là ngày 15/8 hằng năm. Vào ngày này, trăng sẽ tròn nhất, sáng nhất. Bên cạnh đó, thời tiết lúc này đã sang thu, mát mẻ hơn, người dân cũng thu hoạch xong mùa vụ, có nhiều thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà trong đó tiêu biểu là lễ hội trăng rằm.

Năm nay, Tết Trung thu 2019 đã diễn ra vào Thứ 6 ngày 13/9 Dương Lịch, còn Trung thu 2020 là ngày thứ 5 – 1/10/2020 Dương Lịch. Như thường lệ thì ngày này sẽ có rất nhiều phong tục, hoạt động thú vị được cả người lớn và trẻ em mong chờ. Người lớn sẽ có dịp quây quần, sum vầy bên gia đình, tặng quà bố mẹ, ông bà, ăn bánh, thưởng trăng…. Trẻ nhỏ sẽ được tặng quà, chia bánh kẹo, mua đồ chơi…

Tết Trung thu có ở những nước nào?

Không chỉ riêng Việt Nam, Tết Trung thu còn là lễ hội truyền thống ở nhiều nước châu Á khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore. Đặc biệt với Hàn Quốc, đây là một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất ở quốc gia này. Ngày này cũng là ngày nghỉ lễ ở Đài Loan hay Triều Tiên. 

Tết Trung thu của người Việt Nam

Các phong tục cổ truyền trong Tết Trung thu của người Việt

– Trung thu thì biếu quà gì? Quà biếu Rằm tháng 8 chắc chắn sẽ không thể thiếu bánh Trung thu, thường là bánh nướng và bánh dẻo, với nhiều loại nhân khác nhau (nhân thập cẩm, trứng muối, nhân đậu xanh, khoai môn…). Đây là dịp con cháu sẽ biếu quà ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính. Hoặc các cơ quan, doanh nghiệp tặng quà cho khách hàng, cấp dưới tặng quà cấp trên, các bậc phụ huynh tặng quà cho thầy cô giáo….

– Trông trăng Tết Trung thu: Các gia đình sẽ làm mâm cỗ Trung thu với đầy đủ các loại bánh, hoa quả, quây quần bên nhau, cùng nhau ngắm trăng, tâm tình. Khoảnh khắc thiêng liêng, vui vẻ đem lại cảm giác ấm cúng, đoàn viên mà bất kỳ ai cũng mong muốn.

Phá cỗ đêm Rằm Trung thu: Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết trung thu. Mâm cỗ trung thu là để cúng trăng và tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình.

– Cắt bánh Trung thu: Bánh được làm từ bột mì nhân hạt sen và bột đường, biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình. Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.

– Múa Lân: Người Trung Quốc múa lân vào dịp tết Nguyên Đán còn người Việt lại múa Lân vào dịp tết trung thu. Thườngđược tổ chức vào đêm 14 và đêm 15. Con Lân tượng trưng cho điềm lành vì vậy múa Lân đêm trung thu là ước mong cho những điềm lành đến với mọi nhà.

Chương trình Trung thu cho thiếu nhi

Các bé thiếu nhi rất mong đợi được đón tết Trung thu vì thường được người lớn tặng đồ chơi như: đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, tò he, được ăn bánh kẹo, bánh Trung thu…

Các bé cũng sẽ được người lớn tổ chức các hoạt động như: múa, hát, phá cỗ, hát các bài hát Tết Trung thu như: Chiếc đèn ông sao, thằng Cuội, Ông trăng xuống chơi, Đêm Trung thu, Vầng trăng cổ tích, Em đi rước đèn….

1 số hoạt động kích thích sự tò mò, sáng tạo của bé như: tập làm đèn lồng, tập làm bánh, các chò trơi dân gian (truy tìm báu vật, đi cầu phao, bịt mắt bắt dê…).

Tết Trung thu ở 1 số nước Châu Á

Tết Trung thu ở Trung Quốc

Trung Quốc được xem là “cha đẻ” của lễ hội Trung thu, với nhiều sự tích, truyền thuyết li kì về tết Trung thu, về chị Hằng và Thỏ Ngọc trên cung trăng…

Tương tự người Việt, mâm cỗ đêm Rằm Trung thu của người Trung Quốc cũng có hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Người Trung Quốc thường treo lồng đèn trước cửa nhà và trên phố trong dịp này. 

Trong đêm Rằm tháng 8, người ta thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân. Họ cũng có lễ rước đèn cho trẻ em, múa lân sư rồng,…

Tết trung thu ở Trung Quốc có phong tục thả đèn Khổng Minh lên trời
Tết trung thu ở Trung Quốc có phong tục thả đèn Khổng Minh lên trời

Tết Trung thu ở Nhật Bản

Tết Trung thu ở Nhật Bản còn được gọi là lễ ngắm trăng (Otsukimi). Vào ngày Otsukimi này, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango (được làm từ bột gạo, bánh tròn mềm, với xốt mặn, ngọt đặc trưng, thường được xiên vào que tre và uống kèm trà xanh). Bên cạnh là bình cỏ susuki sau đó đặt mâm bánh ở bất cứ nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất, để vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng.

Trẻ con sẽ được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.

Truyền thuyết về tết Trung thu ở Nhật chỉ xuất hiện hình ảnh chú thỏ ngọc thay cho hình ảnh chị Hằng, chú Cuội và cả thỏ ngọc dễ thương như ở Việt Nam và hầu hết các nước Châu Á khác.

Bánh Tsukimi Dango trong Tết Trung thu của Nhật Bản
Bánh Tsukimi Dango trong Tết Trung thu của Nhật Bản

Tết Trung thu ở Hàn Quốc

Rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên là Chuseok, kéo dài trong 3 ngày, là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quanh quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ. Trong ngày lễ Chuseok, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên, còn trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.

Bánh Trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với màu hồng, xanh đậm, vàng,…

Tết Trung thu của Hàn Quốc kéo dài trong 3 ngày
Tết Trung thu của Hàn Quốc kéo dài trong 3 ngày

Tóm lại, Tết Trung thu hay Rằm tháng 8 ở mỗi quốc gia sẽ có những phong tục, tập quán khác nhau nhưng đều là nét đẹp văn hóa được duy trì từ đời này sang đời khác. Trung thu ở Việt Nam đang đến gần, các bậc phụ huynh hãy chọn những món quà thật ý nghĩa để biếu ông bà, cha mẹ… Hoặc chuẩn bị những món quà nhỏ xinh cho con yêu của mình. Cùng chờ đợi để được ngắm trăng Rằm và có những giây phút ấm cúng, đoàn viên bên gia đình nhé!

Nguồn: Mebeaz.com

 

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.