4 vấn đề quan trọng để chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân đúng cách 

0 103

Làm sao để chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân đúng cách để con khỏe mạnh, theo kịp đà tăng trưởng là mong muốn của rất nhiều bậc cha mẹ. Đừng quên thực hiện tốt 4 vấn đề sau khi chăm sóc các em bé nhẹ cân, xuất phát điểm “chưa tốt” từ lúc sinh ra.

Nội dung chính trong bài

Trẻ sơ sinh nhẹ cân cần được chăm sóc kỹ lưỡng
Trẻ sơ sinh nhẹ cân cần được chăm sóc kỹ lưỡng

Trẻ sơ sinh cân nặng bao nhiêu là nhẹ?

Trẻ sơ sinh nhẹ cân là trẻ có cân nặng dưới 2,5 kg bất kể tuổi thai là bao nhiêu. Nguyên nhân khiến trẻ nhẹ cân thường là do sinh non hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong tử cung (gặp các vấn đề như về nhau thai, sức khỏe người mẹ…).

Thể chất các trẻ nhẹ cân thường yếu hơn những trẻ bình thường. Do vậy việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nhẹ cân những ngày đầu không hề đơn giản nhưng lại rất quan trọng. 

Trẻ sơ sinh nhẹ cân hay gặp các vấn đề gì về sức khỏe?

Đối với trẻ sinh non nhẹ cân thường sẽ gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa, chức năng điều hòa thân nhiệt kém, phổi chưa hoàn thiện dễ bị suy hô hấp, xẹp phổi, xuất huyết và bệnh màng trong…

Đối với trẻ nhẹ cân do suy dinh dưỡng trong tử cung thì hay gặp các nguy cơ là hạ đường huyết do thiếu glucogen dự trữ. 

Mẹ hiểu được những vấn đề này sẽ biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân tốt hơn.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân để con phát triển tốt

Để con khỏe mạnh và bắt kịp đà tăng trưởng, những việc mẹ cần làm khi chăm sóc em bé sơ sinh nhẹ cân là:

1. Giữ ấm cho trẻ nhẹ cân

Như đã chia sẻ ở trên, những trẻ nhẹ cân khả năng điều hòa thân nhiệt kém, trẻ dễ bị lạnh nên việc giữ ấm cho con là hết sức cần thiết. Có 2 phương pháp giữ ấm cho trẻ mới sinh nhẹ cân tại bệnh viện là:

– Dùng lồng ấp

  • Trẻ dưới 2 kg cần duy trì nhiệt độ lồng ấp là 33 – 34 độ C.
  • Trẻ dưới 1,5 kg nhiệt độ lồng ấp là 34 – 35 độ C.
  • Nhiệt độ trong phòng nuôi trẻ cần đạt 28 – 32 độ C là hợp lý.

– Phương pháp bà mẹ Kangaroo

Cách ủ ấm cho trẻ sơ sinh nhẹ cân
Cách ủ ấm cho trẻ sơ sinh nhẹ cân
  • Đặt trẻ trên ngực mẹ theo phương pháp da kề da, ủ ấm bằng chính nhiệt độ cơ thể mẹ. Đây là phương pháp an toàn và giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm bệnh trong bệnh viện. 
  • Khi đã xuất viện về nhà, việc ủ ấp cho trẻ cũng cần phải thực hiện chu đáo. Mặc dù vậy cũng không nên quấn trẻ quá kỹ khiến cho việc vận động của con gặp khó khăn và không nên đặt quá nhiều chăn hoặc gối chèn xung quanh sẽ tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

>>Xem thêm: 5 Bước giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa hè mẹ nên nhớ!

2. Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân đừng quên vấn đề dinh dưỡng

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt là những em bé sơ sinh nhẹ cân lại càng cần thiết. Lý do là vì sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng, sợi dây gắn kết tình mẫu tử và thích hợp nhất đối với trẻ.

Mặc dù vậy, đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân thường sẽ gặp nhiều khó khăn khi bú mẹ:

– Với trẻ chưa có phản xạ bú mút (trẻ dưới 1,5 kg) thì mẹ nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể sẽ phải kết hợp truyền dung dịch Glucoza 10% theo đường tĩnh mạch tại bệnh viện.

– Trẻ có thể bú mẹ thì nên chia bữa ăn thành nhiều lần, khoảng 12 – 15 bữa/ ngày.

– Trẻ bú ít và chậm mẹ vắt sữa và dùng muỗng nhỏ bón cho con.

Chia nhỏ cữ bú cho trẻ sơ sinh nhẹ cân
Chia nhỏ cữ bú cho trẻ sơ sinh nhẹ cân

Mẹ có thể tham khảo lượng ăn hàng ngày khi chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân như sau:

– Ngày đầu tiên sau sinh: Trẻ cần 50 ml/ 1kg trọng lượng trẻ mỗi ngày và chia ra khoảng 10 – 12 bữa.

– Từ ngày thứ 2 – 6: Mỗi ngày tăng thêm 20ml/ 1 kg trọng lượng trẻ và cũng chia làm 10 – 12 bữa.

– Từ ngày thứ 7 trở đi: Mỗi ngày cũng cần 10 – 12 bữa và 170ml/ 1 kg trọng lượng trẻ.

3. Vệ sinh cho trẻ nhẹ cân

Mặc dù nhẹ cân nhưng mẹ vẫn cần vệ sinh, tắm rửa thường xuyên cho trẻ. Những hôm thời tiết lạnh thì chỉ cần lau rửa vùng kín sạch sẽ cho con là được. 

Trẻ nhẹ cân hay gặp các vấn đề đường hô hấp, vì thế mẹ cần vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ, quần áo thấm hút mồ hôi và mềm mại.

Một lưu ý quan trọng nữa trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân đó là không nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với người đang bị bệnh, cảm cúm và cũng không nên thơm, hôn con trẻ. Cách thể hiện tình cảm này sẽ là đường lây truyền bệnh dễ nhất cho một đứa trẻ “non nớt”.

>>Xem thêm: 5 lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh mùa thu đông lạnh để con không ốm

4. Theo dõi các vấn đề sức khỏe của trẻ

Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ sơ sinh nhẹ cân
Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ sơ sinh nhẹ cân

Trẻ sơ sinh nhẹ cân thể chất yếu hơn trẻ bình thường nên ngoài việc cho trẻ ăn, vệ sinh tắm rửa sạch sẽ cho trẻ thì mẹ cũng cần phải theo dõi các biểu hiện sức khỏe của bé như:

– Trẻ rối loạn hô hấp là khi trẻ thở nhanh, thường lớn hơn 60 lần/ 1 phút.

– Trẻ nôn và sặc: Trước khi cho trẻ tới bệnh viện thì cần phải xử lý tại chỗ, thông hút đường hô hấp cho trẻ.

– Sắc mặt và môi, các đầu chi của trẻ.

– Theo dõi các biểu hiện về tiêu hóa: Số lần tiểu tiện, đại tiện, màu sắc phân.

– Quan sát các biểu hiện về thính giác, thị giác, các bất thường về cơ, xương khớp ở trẻ.

Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân không hề đơn giản, để bé phát triển tốt về cả thể chất và trí tuệ cần cả sự hiểu biết và sự tận tâm của cha mẹ. Đừng quên tiêm phòng đúng lịch cho cho trẻ đi khám khi thấy các biểu hiện bất thường.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.