Hướng dẫn: Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào? Lễ, đồ cúng gồm những gì?

0 1.284

Cúng Rằm tháng 7 là một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt, không chỉ là ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên mà còn cầu cho những vong hồn chưa được siêu thoát. Tuy đã tồn tại từ lâu đời nhưng không phải ai cũng nắm rõ cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào, lễ gồm những gì? Đồ cúng, mâm cúng và bài văn cúng ngoài trời như thế nào? Lễ cúng Rằm tháng 7 cho người mới mất ra sao?

Nếu vẫn còn mơ hồ về những vấn đề này thì cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về ngày lễ này nhé!

Nội dung chính trong bài

Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào
Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào

Rằm tháng 7 không chỉ là ngày Rằm thông thường mà nó còn là ngày Xá tội vong nhân. Cúng Rằm tháng 7 (hay còn gọi là cúng cô hồn, cúng chúng sinh) với mong muốn sẽ không bị quỷ quấy rối, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, cùng với đó thể hiện được lòng thương, sự từ bi của con người. 

Đồng thời, Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ (xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ). Đây là ngày người dương thế tưởng nhớ đến những bậc sinh thành đã khuất như cha mẹ, ông bà.

Hướng dẫn cúng Rằm tháng 7

Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào?

Khác với những ngày Rằm thông thường thì ngày Rằm tháng 7 không nhất thiết phải cúng đúng ngày (ngày 15) mà có thể cúng trước đó, lễ cúng tiến hành vào ngày có thời gian, không vội vàng, hấp tấp, chuẩn bị chu đáo, thành tâm là được.

Người Việt thường chọn làm lễ cúng Rằm tháng 7 vào các ngày từ 2 – 14 Âm lịch tháng Bảy. Các chuyên gia về văn hóa cho rằng, việc này dựa trên quan niệm dân gian từ cổ xưa. Theo đó, từ ngày 2 đến 14/7 Âm Lịch, Diêm vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về với dương giới, thọ hưởng những đồ vật mà người dân cúng tế.

Chính vì vậy, tùy theo gia chủ sắp xếp thời gian hợp lý cho gia đình mà chọn thời gian cúng lễ phù hợp, thông thường có thể cúng vào ngày 14/7 cúng cho cả người trong gia đình và những cô hồn vất vưởng.

Đồ lễ cúng Rằm tháng 7 bao gồm những gì?

Cúng Rằm tháng 7 thường sẽ có 3 lễ: Cúng Phật, cúng thần linh và gia tiên, cúng cô hồn, chúng sinh.

Mâm lễ cúng Phật

Đối với những người theo đạo Phật thì cúng Rằm tháng 7 được coi là 1 ngày lễ lớn. Lúc làm lễ cúng nên đọc một bài kinh Vu Lan để hồi tưởng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh và cũng là một cách giúp hiểu hơn về ngày lễ này.

Khi chuẩn bị đồ cúng Phật ngày Rằm tháng 7, các gia đình chỉ nên chuẩn bị đồ chay hoặc sắm một mâm ngũ quả chứ không chuẩn bị cỗ mặn hay quá nhiều lễ lạt cầu kỳ. Chủ yếu là do lòng thành của gia chủ.

Mâm lễ cúng Phật thường là đồ chay
Mâm lễ cúng Phật thường là đồ chay

Mâm cúng Rằm tháng 7 cho thần linh, gia tiên

Mâm cúng Rằm tháng 7 cho thần linh, gia tiên thường là mâm cỗ mặn, các món có thể theo mùa, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như: quần áo, giày dép, nhà, xe…

Đồ cúng có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như: xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, miến nấu lòng gà, rau xào,… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.

Bài cúng thần linh theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy…….

Tín chủ chúng con là…..

Ngụ tại…….

Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mới ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.

Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.

Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Mâm cúng gia tiên sẽ có cả những món mặn
Mâm cúng gia tiên sẽ có cả những món mặn

Mâm cúng Rằm tháng 7 cho chúng sinh, cô hồn

Lễ cúng cô hồn được thực hiện vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Lễ cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.

Đồ cúng trong lễ cô hồn không được cúng xôi, gà, lợn. Chỉ cúng các món chay, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si…

Mâm cúng Rằm tháng 7 cho chúng sinh cần chuẩn bị bao gồm: 

  • Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hoa quả (5 loại 5 mầu), 12 cục đường thẻ.
  • Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…). Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo, tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)
  • Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ…..
  • Món cháo loãng không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn, bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.

Mâm cúng chúng sinh, cô hồn
Mâm cúng chúng sinh, cô hồn

Lễ cúng Rằm tháng 7 cho người mới mất

Theo ông Lê Thái Bình (Chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt, viện Nghiên cứu tiềm năng con người) cho biết: Đối với gia đình có người mới mất thì lễ cúng Rằm tháng 7 cho người mới mất trên mâm lễ cần thêm 1 bát cơm quả trứng, theo quan niệm dân gian thì để dẫn cho vong hồn trở về với gia đình.

Ngoài ra, các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.

Trên đây là những thông tin liên quan đến việc hướng dẫn cúng Rằm tháng 7. Không ai lý giải được điều này có đúng không nhưng các cụ vẫn có câu:  “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc thực hiện cúng, lễ Rằm tháng 7 sẽ giúp gia chủ cảm thấy yên tâm hơn, tránh được tà ma và cầu siêu cho những vong hồn đã khuất. Đồng thời, tưởng nhớ đến công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây là phong tục từ xưa của người Việt, được duy trì cho đến tận bây giờ.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.