Mách mẹ phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da đúng cách tại nhà

0 2.245

Cách phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da như thế nào để bé khỏe, da trở lại hồng hào sáng đẹp là thắc mắc của rất nhiều chị em. Các mẹ muốn hiểu hơn về phương pháp tắm nắng để chữa vàng da cho trẻ, hãy cùng theo dõi bài viết sau.

Nội dung chính trong bài

Vàng da ở trẻ sơ sinh rất phổ biến
Vàng da ở trẻ sơ sinh rất phổ biến

Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện sau 24 giờ tuổi. Nguyên nhân khiến da trẻ vàng là do nồng độ bilirubin trong máu mà gan trẻ chưa đào thải hết được. Đa phần vàng da sẽ hết sau 1 – 2 tuần khi chức năng gan hoàn thiện. 

Mặc dù vậy cũng có một số trẻ bị vàng da bệnh lý thường xuất hiện trước 24 giờ tuổi, biểu hiện da vàng đậm. Hoặc cũng có trường hợp vàng da sinh lý kéo dài trở thành bệnh lý. Khi trẻ bị vàng da bệnh lý nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới vàng da nhân não vô cùng nguy hiểm. 

Phơi nắng có chữa vàng da cho trẻ sơ sinh được không?

Nhiều bà mẹ cho rằng trẻ bị vàng da chỉ cần phơi nắng và cho con bú sữa mẹ là có thể tự khỏi được. 

Theo các bác sĩ, đây là quan điểm chưa đúng vì phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da chỉ áp dụng trong trường hợp trẻ bị vàng da sinh lý và về bản chất là để các bậc cha mẹ dễ dàng phát hiện ra màu da trẻ.

Còn nếu là vàng da bệnh lý là chỉ số bilirubin vượt ngưỡng thì phơi nắng không có tác dụng gì. Lúc này trẻ phải sớm được can thiệp bằng phương pháp chiếu đèn, thay máu thậm chí phẫu thuật.

Trên thực tế, phơi nắng ngoài hỗ trợ giảm nhanh chứng vàng da sinh lý mà tác dụng quan trọng nhất tăng cường vitamin D để hấp thụ canxi dễ dàng, giúp xương của trẻ chắc khỏe.

Phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da chỉ áp dụng khi trẻ vàng da sinh lý
Phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da chỉ áp dụng khi trẻ vàng da sinh lý

Cách phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da như thế nào?

Để tiến hành phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da đúng cách, các mẹ nên thực hiện theo các bước sau đây:

– Lựa chọn không gian: Khi bé mới sinh 2 – 3 ngày là mẹ có thể tắm nắng cho trẻ. Mẹ lựa chọn hiên nhà hoặc cửa sổ nơi kín gió và có nhiều ánh sáng để phơi nắng cho con.

– Thời điểm phơi nắng: Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết từng vùng miền. Ở nước ta có sự chênh lệch nhiệt độ giữa mùa đông và hè. Vì thế:

  • Vào mùa hè mẹ phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da buổi sáng vào lúc 7h – 8h30, buổi chiều từ 17 – 18h30. 
  • Mùa đông: Thời điểm tắm nắng buổi sáng là 9 – 10h30, buổi chiều là 16 – 17h30.
Mẹ nên phơi nắng đúng cách cho trẻ sơ sinh bị vàng da
Mẹ nên phơi nắng đúng cách cho trẻ sơ sinh bị vàng da

– Thời gian tắm nắng: Trong những ngày đầu mẹ chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng từ 5 – 10 phút, thời gian sau thì kéo dài hơn khoảng 15 – 30 phút.

Cách phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da: Thời gian đầu mẹ chỉ cần cho trẻ mặc quần áo đủ ấm sau đó cho trẻ ngồi cạnh cửa sổ hoặc trong hiên. Khi trẻ hơn 1 tuần tuổi mẹ có thể cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng nhẹ, dùng tay hoặc băng che mắt cho con, tay còn lại vén áo để ánh nắng chiếu vào lưng, bụng, đùi của trẻ.

Một số lưu ý khi tiến hành phơi nắng chữa vàng da cho trẻ sơ sinh

– Sau khi phơi nắng, mẹ nên dùng khăn mềm để lau mồ hôi cho trẻ.

– Trong lúc tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da, mẹ không được để ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt của bé.

– Cho trẻ bú sau khi phơi nắng xong.

– Mẹ nên trò chuyện, vui cười và massage cho con khi tắm nắng để trẻ thấy được dễ chịu, sảng khoái.

– Trẻ sau khi tắm nắng bị nổi mẩn đỏ, hay có dấu hiệu nào bất thường thì nên dừng ngay việc tắm nắng lại.

Đừng để ánh nắng trực tiếp chiếu vào mắt con
Đừng để ánh nắng trực tiếp chiếu vào mắt con

Cách kiểm tra vàng da ở trẻ sơ sinh

Theo các bác sĩ, để kiểm tra trẻ có bị vàng da hay không rất đơn giản. Bằng cách vào buổi sáng mẹ đặt con trước cửa sổ nơi có nhiều ánh sáng sau đó dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ vào trán của trẻ.

– Tại vị trí ấn không thấy da trẻ vàng là trẻ không bị vàng da.

– Nếu xuất hiện màu vàng ở vị trí ấn tay trỏ thì mẹ tiếp tục kiểm tra phần ngực trẻ. Cũng dùng tay trỏ để kiểm tra. Không có màu vàng thì mẹ có thể yên tâm nhưng có màu vàng thì mẹ tiếp tục kiểm tra bụng bé.

– Tại phần bụng nếu kiểm tra thấy da vàng thì mẹ tiếp tục kiểm tra đùi vào cẳng chân của bé.

Mẹ kiểm tra từ trên xuống dưới. Thông thường nếu chỉ vàng da tới ngực thôi thì chưa cần lo lắng. Vàng da từ bụng xuống là mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra ngay.

Cách phơi nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da chỉ áp dụng đối với trẻ bị vàng da sinh lý nhẹ. Còn nếu trẻ bị vàng da bệnh lý, chỉ số bilirubin vượt ngưỡng cho bé sẽ không thể khỏi. Mặt khác, nếu để lâu không chữa trị sẽ thành vàng da nhân não, tổn hại tới trí tuệ và thính giác của trẻ sau này. Mẹ hãy cho con đi khám sớm nhất nhé!

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.