HỎI: Hậu sản là gì? Những bệnh hậu sản phụ nữ sau khi sinh NÊN biết
Sau khi sinh con, ngoài niềm vui lớn lao được làm mẹ, chị em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bị các bệnh hậu sản. Vậy hậu sản là gì? Những bệnh án hậu sản thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây mẹ nhé.
Nội dung chính trong bài
Hậu sản và bệnh hậu sản sau khi sinh là gì?
Sau khi sinh, ngoài niềm vui chào đón “thiên thần nhỏ bé” thì cũng là lúc chị em bước vào giai đoạn hậu sản.
Vậy hậu sản là gì? Theo các nói thông thường thì đây là thời gian ở cữ, còn theo y văn thì hậu sản là khoảng thời gian 6 tuần đầu sau khi sinh.
Đây là thời kỳ sản phụ cần được chăm sóc và nghỉ ngơi thật tốt để không mắc các bệnh hậu sản sau khi sinh – nhóm bệnh lý thường gặp cả về thể chất và tinh thần trong thời kỳ hậu sản.
Vì sao phụ nữ sau khi sinh hay bị bệnh hậu sản?
– Phụ nữ không được chăm sóc trong lúc mang thai tốt, thể trạng kém…
– Phụ nữ bị căng thẳng trước khi sinh, không ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược…
– Không kiêng cữ trong thời gian mới sinh con, chế độ ăn uống sinh hoạt thất thường.
– Áp lực chăm sóc con nhỏ cộng thêm sự tự ti về ngoại hình khiến sản phụ luôn căng thẳng, mệt mỏi.
Tất cả những lý do trên là nguyên nhân phụ nữ sau khi sinh bị bệnh hậu sản.
Bệnh hậu sản nếu không được chữa trị kịp thời ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản, sức khỏe thậm chí là tính mạng của sản phụ.
Một số bệnh hậu sản thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh
Bất kể là sinh thường hay sinh mổ, đa phần các mẹ đều đã nghe qua về hậu sản nhưng không phải ai cũng rõ bệnh hậu sản là gì? Dưới đây là một số bệnh chị em hay gặp nhất:
Sốt và nhiễm khuẩn hậu sản
Đây là bệnh hậu sản sau khi sinh thường gặp nhất. Nguyên nhân là do các tổn thương trong quá trình sinh sản làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua đường âm đạo.
Triệu chứng của bệnh là sốt cao trên 38 độ, mệt mỏi, chán ăn, âm đạo sưng đỏ, tiết dịch và có mùi hôi… Nếu không được khám và chữa trị kịp thời có thể dẫn tới việc phải cắt bỏ tử cung, ảnh hưởng tới lần sinh nở tiếp theo.
Băng huyết sau khi sinh
Trước giờ, mỗi lần nhắc tới bệnh hậu sản băng huyết sau khi sinh chị em không khỏi rùng mình, sợ hãi.
Đây là tai biến sản khoa có nguy cơ tử vong cao nhất trong 24 giờ đầu sau sinh. Dấu hiệu của bệnh là máu ra nhiều, không kiểm soát được sau khi lấy thai và sổ rau. Sản phụ sẽ cảm thấy mặt xanh, chân tay lạnh, huyết áp hạ, choáng váng…
Khi thấy các biển hiện trên cần phải cấp cứu gấp đẻ được xử lý kịp thời.
Bế sản dịch
Sản dịch là hiện tượng rất bình thường của phụ nữ sau sinh, là dịch tử cung bao gồm các biểu mô và niêm mạc tử cung thoát ra ngoài qua đường âm đạo. Sản dịch thời gian đầu ra nhiều có màu đỏ sẫm sau đó ít đi có màu hồng nhạt, vàng.
Thông thường sản dịch sẽ kéo dài từ 7 đến 30 ngày. Nếu quá trình đẩy sản dịch ra ngoài kết thúc nhanh, bụng căng tức thì rất có thể mẹ đang bị ứ sản dịch. Hoặc nếu sau khoảng 30 ngày mà sản dịch chưa hết, lại có mùi hôi thì cũng có khả năng bế sản dịch.
Một số biện pháp để phòng ngừa bệnh hậu sản sau khi sinh này là:
- Vệ sinh vùng kín, thay băng vệ sinh hàng ngày. Đặc biệt không nên sử dụng một số loại băng vệ sinh như tampon rất dễ nhiễm khuẩn vùng kín.
- Không thụt rửa mạnh.
- Nên đi lại và massage nhẹ nhàng để sản dịch ra nhanh hơn.
- Không dùng gen nịt bụng khi sản dịch chưa ra hết.
Sản giật sau sinh
Sản giật là bệnh hậu sản nguy hiểm và có nguy cơ tử vong chỉ sau băng huyết. Triệu chứng của bệnh là huyết áp cao, có nhiều protein trong nước tiểu (trên 300 mg), hoa mắt, chóng mặt, thị lực giảm, cảm giác buồn nôn, tăng cân nhanh, chân và mặt sưng…
Hiện khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sản giật. Tuy nhiên, theo thống kê đây là bệnh có liên quan tới:
- Di truyền.
- Phụ nữ đã có tiền sử bệnh án hậu sản sau khi sinh ở những lần sinh trước.
- Huyết áp cao sau 20 tuần mang thai.
- Mang thai quá sớm trước 20 tuổi hoặc quá muộn sau 40 tuổi.
- Người béo phì trong thời gian mang thai.
- Mang đa thai.
Nếu thấy các triệu chứng kể trên, chị em nên đi khám và làm các xét nghiệm để bác sĩ điều trị kịp thời.
Bệnh trầm cảm
Báo đài, truyền thông, internet không ít lần đã cảnh báo về hậu quả của trầm cảm sau khi sinh. Đây là bệnh hậu sản có liên quan đến tâm lý của sản phụ nhưng mức độ ảnh hưởng không kém những bệnh hậu sản về bệnh lý ở trên.
Biểu hiện của trầm cảm là: Luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, ăn ít, tâm trạng luôn bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, cáu kỉnh, luôn xuất hiện ý nghĩ hại mình và con… Ngoài ra, một số chị em cảm mất ngủ, đau đầu, đau cơ liên tục.
Không có một nguyên nhân chính xác gây ra trầm cảm nhưng đó là hậu quả của tổng hợp các yếu tố như: tâm lý, tinh thần, thể chất…
Đi sâu hơn nữa có thể thấy lý do phụ nữ sau khi sinh hay bị trầm cảm xuất phát từ những thay đổi hormone sau sinh, áp lực chăm sóc con cái, tự ti ngoại hình, quan điểm trái ngược trong việc ở cữ và chăm sóc con cái…
Trầm cảm nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ sớm được cải thiện. Ngược lại, nếu không được quan tâm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tự tử, hại con mình…
Ngoài những bệnh hậu sản nguy hiểm nêu trên, phụ nữ sau khi sinh còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác trong thời gian hậu sản như: Đau co dạ con, rối loạn đường tiết niệu, đau vết rạch tầng sinh môn, trĩ, táo bón, căng sữa, tắc sữa…
Phụ nữ sau khi sinh cần làm gì để phòng ngừa bệnh hậu sản?
Nhận biết được sự nguy hiểm của bệnh hậu sản, nhiều chị em đặt câu hỏi làm gì để không bị bệnh hậu sản? Vậy hãy làm tốt những việc dưới đây, chắc chắn sẽ giảm được nhiều nguy cơ mắc bệnh hậu sản:
– Theo dõi sức khỏe của sản phụ trong vòng 3 ngày đầu tiên: Huyết áp, màu da, lượng sản dịch, nước tiểu, đau đầu, đau bụng… Để kịp thời phát hiện những bệnh lý hậu sản.
– Nên thực hiện các biện pháp kiêng cữ khoa học trong vòng 42 ngày đầu sau khi sinh: Kiêng gió lạnh, vận động quá mạnh, quan hệ vợ chồng 6 – 8 tuần sau sinh, vệ sinh vùng kín đúng cách….
– Chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng thật tốt.
– Cho con bú nhiều và thường xuyên.
Hy vọng, qua bài viết này chị em sẽ nắm được một số khái niệm như hậu sản là gì, bệnh hậu sản để có sự chuẩn bị và chăm sóc phụ nữ sau khi sinh thật tốt. Chúc chị em sớm bình phục!
Nguồn: Mebeaz.com