Mỗi lần báo đài đưa tin một phụ nữ nào đó vì trầm cảm mà tự tử, chúng ta lại thêm một lần đau đớn, xót xa. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao không mấy ai quan tâm đến những dấu hiệu điển hình của bệnh trầm cảm sau khi sinh để phát hiện sớm và ngăn chặn hậu quả một cách kịp thời?
Chẳng nói đâu xa, mới chỉ cách đây vài hôm thôi, một bà mẹ trẻ đã ôm đứa con 7 tháng tuổi của mình nhảy cầu Thanh Trì tự vẫn. Hồi tháng 6, một cô giáo 31 tuổi cũng nhảy cầu Đồng Nai tự vẫn vì trầm cảm sau khi sinh.
Trầm cảm sau khi sinh là căn bệnh âm thầm phá hoại tâm hồn của 15 – 25% phụ nữ mỗi năm. Không chỉ vứt bỏ cuộc sống của bản thân, những bà mẹ bị trầm cảm còn thường có ý nghĩ tước đoạt cả mạng sống của đứa con do chính mình sinh ra. Thế nhưng ở ngoài kia, đang có quá ít người quan tâm đến những dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau khi sinh.
Trong bài viết kỳ này, Mebeaz xin gửi đến quý bạn đọc 9 dấu hiệu điển hình nhất cảnh báo người phụ nữ đang bị bệnh trầm cảm. Chỉ cần dành ra vài phút theo dõi thôi, bạn hoàn toàn có thể cứu được những tâm hồn đang u uất.
9 dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất của bệnh trầm cảm sau khi sinh
– Sắc mặt xấu: Phụ nữ trong giai đoạn đầu của bệnh trầm cảm thường xuyên cảm thấy buồn bã, bi quan nên sắc mặt của họ rất xấu.
– Rối loạn vận động: Một số người cảm thấy mệt mỏi và không muốn tham gia vào bất cứ hoạt động gì. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân đối với họ cũng là khó khăn quá lớn. Trong khi đó một số khác lại thường xuyên lặp lại một hành động nào đó trong vô thức.
– Ăn không ngon miệng, sút cân: Đây là một trong những dấu hiệu bị bệnh trầm cảm sau khi sinh rất rõ ràng, nhưng chúng ta lại thường lầm tưởng đó chỉ là triệu chứng chán ăn thông thường. Khi tình trạng này kéo dài, bà mẹ chắc chắn sẽ bị sụt cân.
– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều: Mất ngủ là dấu hiệu của 95% các trường hợp bị bệnh trầm cảm sau khi sinh. 5% còn lại có thể mắc chứng ngủ quá nhiều.
– Cảm giác vô dụng, tội lỗi: Họ luôn cảm thấy mình không phải là người mẹ tốt, không chăm sóc được cho con, không được tích sự gì trong gia đình. Đây cũng là lý do chính khiến họ muốn tự sát.
– Không có sở thích: Với đa số các bà mẹ, em bé mới sinh là mối quan tâm duy nhất, cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của họ. Nếu bỗng dưng họ không còn muốn để ý đến em bé mới sinh, cũng không còn sở thích nào khác, hãy nghĩ đến việc họ đang có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau khi sinh.
– Rối loạn trí nhớ: Bà mẹ có thể trở nên đãng trí một cách khó hiểu, thậm chí quên cả những việc đã trở thành thói quen. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu điển hình vì ngay cả những phụ nữ không trầm cảm vẫn bị đãng trí sau sinh.
– Không thể tập trung: Những việc làm đòi hỏi phải có sự tập trung trong một khoảng thời gian như xem tivi, khâu quần áo, nhặt rau… đều khó khăn với những phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh.
– Muốn tự sát: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất và nặng nhất của người bị bệnh trầm cảm sau sinh. Trước khi thực hiện, họ thường nói với những người xung quanh rằng mình không muốn sống hoặc muốn chết, tuy nhiên đáng tiếc là những người ngoài cuộc đều không cho rằng đó là sự thật.
Những ai dễ bị bệnh trầm cảm sau khi sinh con?
Trầm cảm sau khi sinh con là căn bệnh có thể tấn công bất cứ ai. Thậm chí những phụ nữ có cuộc sống vô cùng sung túc, đầy đủ vẫn hoàn toàn có thể bị trầm cảm nếu không nhận được sự quan tâm, cảm thông từ phía gia đình, đặc biệt là từ người chồng đầu ấp tay gối.
Dưới đây là một số người rất dễ mắc phải chứng trầm cảm mà chúng ta cần lưu ý:
– Phụ nữ vừa mới sinh con: Trầm cảm xảy ra nhiều nhất trong vòng 30 ngày kể từ khi sinh con. Nguyên nhân là do lúc này, sức khỏe và tâm lý của người mẹ chưa ổn định.
– Phụ nữ sinh con lần đầu: Họ chưa có nhiều kinh nghiệm nên rất dễ bị sốc với những thay đổi của cuộc sống sau khi có con.
– Phụ nữ hướng ngoại: Cuộc sống sau khi sinh con thường khá nhàm chán, cả ngày chỉ ở nhà quẩn quanh con cái, bỉm sữa… Đối với những phụ nữ hướng ngoại và ưa xê dịch, đây có thể là cú sốc rất lớn. Do vậy, họ có thể dễ gặp phải những dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau khi sinh hơn so với người bình thường.
– Phụ nữ sinh con không như ý muốn: Chẳng hạn như giới tính của con không như mong đợi hoặc em bé sinh ra gặp phải vấn đề nào đó về sức khỏe.
– Phụ nữ phải chịu nhiều áp lực về kinh tế và các mối quan hệ trong gia đình, không được người thân và đặc biệt là người chồng quan tâm, chia sẻ.
Với những phụ nữ thuộc nhóm này, cần đặc biệt chú ý đến những biểu hiện khác thường của họ, vì rất có thể đó là những biểu hiện cảnh báo bệnh trầm cảm sau sinh. Sự quan tâm từ phía gia đình, người thân một cách đúng lúc sẽ giúp họ thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này.