Có nên giữ lại cuống rốn trẻ sơ sinh không? Bảo quản, treo ở đâu?
Sau 7 – 10 ngày, cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ rụng. Vậy có nên giữ lại cuống rốn của trẻ sơ sinh không? Bảo quản cuống rốn như thế nào? Treo ở đâu thì con thông minh, sáng dạ? Đây là thắc mắc của không ít ông bố, bà mẹ. Vậy hãy cùng Mebeaz tìm hiểu trong bài viết sau để có câu trả lời nhé!
Nội dung chính trong bài
Các mẹ bàn luận: Treo cuống rốn của trẻ sơ sinh ở đâu để con thông minh?
Nếu ghé qua diễn đàn dành cho các mẹ bỉm sữa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các chủ đề liên quan đến việc chăm sóc rốn hay bảo quản, treo cuống rốn của trẻ sơ sinh:
(Đoạn hội thoại trích từ 1 diễn đàn, tên nhân vật đã được thay đổi)
Yến: Các mẹ cho em hỏi là treo cuống rốn của trẻ sơ sinh ở đâu thì được nhỉ? Em nghe nói là treo cạnh bóng đèn hay trước gương thì sau này con sẽ thông minh, sáng dạ hơn.
Nhung: Không phải đâu. Mẹ chồng em thì bảo treo cuống rốn trẻ sơ sinh về hướng mặt trời mọc thì con mới thông minh. Hồi đấy em không tin lắm nhưng vẫn làm theo. Bây giờ trộm vía nó cũng lanh lợi, hoạt bát lắm.
Thảo: Thế á. Vậy mà mình không biết. Đợt cuống rốn của cu Bo rụng là mình đem đi chôn luôn vì không biết là có nên giữ lại hay không? Giữ lại thì bảo quản như thế nào?
Mẹ Ốc: Trời, cái này chỉ là quan niệm thời xa xưa của các cụ thôi. Giữ lại cuống rốn trẻ sơ sinh để làm kỷ niệm thì em còn tin, chứ bảo treo lên để con thông minh thì em không tin lắm.
Ánh: Vậy tóm lại là có nên giữ lại cuống rốn của trẻ sơ sinh không hả các chị? Nếu giữ thì bảo quản, treo ở đâu? Mít nhà em sắp được 1 tuần rồi.
Nghe chuyên gia giải đáp thực hư việc treo cuống rốn trẻ sơ sinh ở đâu thì con thông minh?
Từ cuộc hội thoại trên có thể thấy, rất nhiều bà mẹ phân vân không biết có nên giữ lại cuống rốn trẻ sơ sinh hay không? Nhất là những người sinh con đầu lòng, các kỷ vật như cuống rốn, tóc máu… đều có ý nghĩa rất quan trọng.
Vì vậy, không ai cấm cản việc mẹ giữ lại cuống rốn của bé. Nếu muốn, mẹ hoàn toàn CÓ thể giữ lại cuống rốn của trẻ sơ sinh.
Vậy treo cuống rốn trẻ sơ sinh ở đâu?
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng, treo cuống rốn của trẻ sơ sinh ở gần bóng đèn, trước gương hay treo về hướng mặt trời mọc… thì con sẽ thông minh hơn. Đây chỉ là quan niệm dân gian được các mẹ truyền tai nhau, có người tin, có người không tin.
Trên thực tế, trí thông minh của bé phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như: di truyền, giáo dục, chất dinh dưỡng, môi trường sống,… chứ không hề liên quan gì tới việc treo cuống rốn trẻ sơ sinh ở đâu.
Ngược lại, nếu giữ lại mà bảo quản cuống rốn của trẻ sơ sinh không đúng cách sẽ đem lại không ít rắc rối. Vì cuống rốn được cấu tạo bởi các tế bào mô nên nếu để lâu sẽ có mùi lạ, ảnh hưởng đến môi trường, không khí xung quanh phòng bé. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, ruồi, muỗi xâm nhập, càng làm ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ.
Cách bảo quản cuống rốn trẻ sơ sinh
Thay vì treo lên, mẹ có thể bảo quản cuống rốn của trẻ sơ sinh bằng cách chôn trong vườn, bồn hoa, cùng với nhau thai hoặc cuống rốn của anh chị bé. Tuy chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được rằng khi chôn như vậy sẽ giúp tình cảm anh chị em thân thiết hơn nhưng đó cũng là cách rất hay, an toàn để mẹ lưu giữ lại kỉ niệm.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc có nên giữ lại rốn trẻ sơ sinh không? Nếu giữ lại thì treo ở đâu và bảo quản như thế nào? Các mẹ có thể giữ lại nhưng hãy bảo quản đúng cách nhé!
Nguồn: Mebeaz.com