Tất tần tật những điều cần biết về nanh sữa ở trẻ sơ sinh
Nanh sữa ở trẻ sơ sinh là từ ngữ dân gian thường để chỉ những đốm nhỏ màu trắng mọc trên lợi của một em bé. Vậy những nanh sữa này xuất hiện do đâu? Có nguy hiểm không? Cần chích hay cứ để tự nhiên? Đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời.
Nội dung chính trong bài
Nanh sữa là gì? Vì sao trẻ mọc nanh sữa?
Nanh sữa thực chất là những nang lợi của bé có màu trắng đục hoặc vàng nhạt, đây là tổn thương lành tính thường gặp nhất là ở niêm mạc miệng trong những năm đầu đời của trẻ sơ sinh, thường là từ 0 – 3 tháng đầu.
Bên trong lớp vỏ của nanh sữa là chất keratin – là một sản phẩm bị thoái hóa của những biểu mô sừng hóa. Nếu nanh xuất hiện ở xương hàm thì hiểu một cách đơn giản đây là mảnh vụn của tế bào trong quá trình hình thành răng sữa.
Còn nếu nanh xuất hiện ở vòm miệng thì là do những mảnh vụn tế bào của tuyến nước bọt phụ hình thành nhưng bị vùi kẹt dưới niêm mạc trong quá trình em bé còn là bào thai.
Thông thường kích thước nanh sữa ở trẻ sơ sinh chỉ vào khoảng 2 – 3mm, to nhất cũng chỉ vào khoảng 1cm và trường hợp này ít xảy ra.
Trẻ sơ sinh mọc nanh sữa có nguy hiểm không?
Nhiều ông bố, bà mẹ chưa có kinh nghiệm khi thấy em bé của mình xuất hiện nanh sữa thì rất lo lắng. Thực chất nanh sữa không quá nguy hiểm vì nó là một tổn thương lành tính xuất hiện trong khoảng 2 – 5 tuần rồi tự biến mất chứ không phải là do trẻ thiếu canxi hoặc cặn sữa như nhiều người vẫn nghĩ.
Đa phần các trường hợp trẻ sơ sinh mọc nanh sữa sẽ không cảm thấy khó chịu, thậm chí bố mẹ còn không nhận ra sự xuất hiện của những mụn nanh này cho tới khi chúng biến mất. Tuy nhiên vẫn có trường hợp trẻ không được chăm sóc răng miệng đúng cách làm cho nanh sữa nhiễm khuẩn khiến trẻ đau đớn, bỏ bú, quấy khóc.
Dấu hiệu nanh sữa bị nhiễm khuẩn nặng là lớp niêm mạc lợi xung quanh nanh sữa bị sưng, đỏ, loét, trẻ có thể sốt nhẹ. Lúc này cha mẹ nên đưa bé đi khám để được xử lý kịp thời.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị mọc nanh sữa
Khi phát hiện em bé bị nanh sữa các mẹ không nên quá hoang mang và lo lắng. Điều đầu tiên các mẹ cần làm là theo dõi những biểu hiện của bé. Nếu bé không có dấu hiệu nào của sự đau đớn, ăn ngủ bình thường, niêm mạc lợi không sưng tấy thì không phải làm gì vì chỉ sau 2 – 3 tuần là chúng sẽ biến mất.
Tuyệt đối không nên tự ý dùng vật nhọn để chích nhể nanh sữa ở trẻ sơ sinh vì làm như vậy là rất nguy hiểm, có thể khiến mụn nanh bị nhiễm trùng nặng hơn.
Ngoài ra mẹ cũng không nên dùng nước lá đắp, thuốc bôi chữa nanh sữa cho bé vì điều này thực tế là không cần thiết lại có thể khiến trẻ bị ngộ độc do chức năng gan chưa hoàn thiện.
Việc duy nhất các mẹ có thể làm là vệ sinh răng miệng thật tốt cho bé, mẹo chữa nanh sữa đơn giản lại khoa học là mẹ dùng miếng gạc sạch thấm vào nước muối sinh lý loãng sau đó nhẹ nhàng lau vùng lợi, rơ lưỡi cho bé hàng ngày. Chỉ sau 1 – 2 tuần những chiếc mụn màu trắng này sẽ biến mất mà không để lại dấu vết gì.
>>Xem thêm: Trẻ có bao nhiêu răng sữa? Dấu hiệu và cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Bác sĩ chích nhể nanh sữa cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Trong trường hợp nanh sữa ở trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn, sưng tấy gây đau đớn thì mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để chích nhể đúng cách. Cách thực hiện của bác sĩ như sau:
– Bác sĩ sẽ bôi lên vị trí mọc nanh một chút thuốc tê.
– Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để chích những mụn nanh này ra, sẽ có một lớp nước màu trắng hoặc vàng nhạt thoát ra ngoài.
– Bác sĩ vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ mà không phải bôi thêm bất kỳ loại thuốc gì.
Trên đây là một số kiến thức về nanh sữa ở trẻ sơ sinh. Hy vọng sẽ giúp ích được cho các mẹ trong chăm sóc bảo vệ em bé trong những năm đầu đời. Chúc sức khỏe!
Nguồn: Mebeaz.com