1001 câu hỏi về thóp trẻ sơ sinh – Ai có con nhỏ đều phải biết
Thóp ở trẻ sơ sinh là gì? Bé có bao nhiêu thóp? Đóng thóp sớm có sao không? Phải đội mũ che thóp cho bé đến khi nào?… và 1001 câu hỏi liên quan tới chủ đề này. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh đọc vị sức khỏe của trẻ thông qua việc nhìn thóp.
Nội dung chính trong bài
Thóp ở trẻ sơ sinh là gì? Bé có mấy thóp?
Không giống như người lớn, trẻ sơ sinh khi mới chào đời vẫn chưa hoàn thiện các bộ phận trong đó có xương sọ, giữa các xương của hộp sọ vẫn có những khoảng trống nhỏ được gọi là thóp. Khi chúng ta sờ vào thóp của bé sẽ thấy mềm và đôi khi nhìn ngoài sẽ thấy vị trí này còn phập phồng nhẹ.
Trẻ sơ sinh có 2 thóp là thóp trước và thóp sau. Theo đó, thóp trước là khoảng hở giữa sương trán và xương ở đỉnh đầu, dạng hình thoi còn thóp sau là khoảng hở giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm, có hình tam giác.
Cấu trúc thóp của trẻ sơ sinh là những màng sợi để gắn kết các xương đầu lại với nhau, đây cũng là đường nối đàn hồi giữa các xương của hộp sọ. Nhờ cấu tạo tự nhiên này mà hộp sọ của bé có thể thay đổi kích thước để phù hợp với âm đạo của mẹ trong lúc chuyển dạ.
Thóp cũng có vai trò giống như một tấm đệm bảo vệ não của bé khỏi những tác động từ bên ngoài.
Khi nào thóp của trẻ sơ sinh đầy?
Rất nhiều mẹ thắc mắc khi nào thóp trẻ sơ sinh đóng kín? Điều này phụ thuộc vào từng bé. Có bé đóng sớm, có bé lại chậm hơn. Đây cũng là lý do nhiều mẹ sờ không thấy thóp của trẻ sơ sinh đâu cả vì lúc này thóp của trẻ đã được đóng lại rồi. Mặc dù vậy, các mẹ cũng nên nhớ một số con số an toàn dưới đây:
– Thóp trước của bé có thể thay đổi liên tục và thường lớn hơn thóp sau.
– Thóp trước cũng đóng muộn hơn thóp sau. Đa phần các bé bước sang tháng thứ 4 là thóp sau đã đóng.
– Đa số trường hợp bé được 3 tháng thì tỷ lệ thóp được 1%. Con số này tăng lên 38,8% khi bé được 1 năm và 96% thóp bé đóng lại hoàn toàn khi con được 2 tuổi.
Trẻ sơ sinh đóng thóp quá sớm hoặc quá muộn có sao không?
Ở mỗi trẻ thời gian đóng thóp có thể không giống nhau và điều này là hoàn toàn bình thường. Song nếu thóp bé đóng quá sớm hoặc quá muộn đều phản ánh vấn đề bệnh lý nguy hiểm.
– Trường hợp thóp đóng quá sớm: Do bẩm sinh, do xương đầu cốt hóa sớm, lúc mang bầu người mẹ bị phơi nhiễm với tia X trong một thời gian dài. Thóp đóng sớm sẽ cản trở sự phát triển của đại não, khiến trẻ chậm phát triển.
– Thóp đóng quá muộn: Là do xương sọ chậm cốt hóa điều này có thể liên quan tới chức năng của tuyến giáp hoặc cũng có thể do trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, nguy hiểm nhất là não to lên một cách bất thường.
Nhìn chung, cha mẹ cần phải theo dõi thóp của bé. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường, đóng quá sớm hoặc quá muộn, lồi hoặc lõm, thóp rộng hoặc quá hẹp thì cần phải cho trẻ tới bệnh viện để được theo dõi và điều trị sớm.
Chăm sóc thóp cho trẻ sơ sinh đúng cách
Theo các bác sĩ nhi khoa, thóp của trẻ là bộ phận rất quan trọng lại nhạy cảm. Song không phải vì thế mà các mẹ lo lắng tới mức không dám gội đầu cho bé, thực tế trường hợp thóp trẻ bị tổn thương do cha mẹ sờ vào là hầu như không xảy ra. Lý do là vì thóp được cấu tạo từ 3 lớp vỏ bọc và ở giữa mỗi lớp lại có ít chất lỏng để giảm sự chấn động từ ngoại lực.
Như vậy, cha mẹ vẫn có thể tắm rửa, gội đầu cho em bé bình thường. Chỉ những hôm thời tiết lạnh (dưới 23 độ C) tốt nhất là nên dùng mũ che thóp cho trẻ sơ sinh để tránh bị cảm lạnh do đầu bé là nơi thoát nhiệt nhiều nhất. Còn những khi thời tiết nóng bức thì không nên đội mũ che thóp vì như vậy khiến mồ hôi đầu của trẻ ra nhiều, trẻ có thể bị cảm.
Ngoài những điều trên, cha mẹ cũng nên quan tâm bổ sung vitamin D, cho bé tắm nắng thường xuyên để phòng ngừa các bệnh lý còi xương. Nên nhớ, đa phần những trẻ thóp rộng có liên quan tới bệnh này.
Trên đây là một số kiến thức về thóp cho trẻ sơ sinh. Trong những năm đầu đời, không chỉ thóp mà rất nhiều bộ phận khác của trẻ cần được chăm sóc và bảo vệ đúng cách mới có thể tránh được nhiều nguy cơ và vấn đề bệnh lý nguy hiểm.
Nguồn: Mebeaz.com