Tết Nguyên Đán 2021 là năm con gì? Lịch nghỉ Tết như thế nào?

0 555

Tết Nguyên Đán 2021 (tính theo Âm lịch) đang đến gần trong sự hy vọng, chờ đợi của tất cả mọi người vì đây không chỉ là ngày lễ cổ truyền mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Vậy năm nay 2021 là năm con gì? Các phong tục ngày Tết như: chúc Tết, quà tặng hay món ăn ngày Tết bao gồm những gì? Lịch nghỉ Tết nguyên đán 2021 theo quy định của Nhà nước được tính như thế nào?

Cùng Mebeaz theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về ngày Tết cổ truyền nói chung, Tết Nguyên Đán Âm lịch 2021 nói riêng nhé!

Nội dung chính trong bài

Tết Tân Sửu 2021
Tết Tân Sửu 2021

Tết Nguyên Đán là gì? Có ý nghĩa như thế nào?

Tết Nguyên Đán (giải thích theo Tiếng Hán: Nguyên = Đầu, Đán = buổi sớm mai, Nguyên Đán tức là buổi sớm mai đầu năm) hay còn gọi là Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền. Đây là dịp lễ đầu năm quan trọng nhất của người Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Quốc.

Hàng năm, Tết Nguyên Đán kéo dài trong khoảng 7 – 8 ngày cuối cùng của năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). Trong đó, quan trọng nhất là 3 ngày đầu năm 1/1 – 3/1 Âm lịch theo phong tục của người Việt Nam và 1 số nước Đông Nam Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…

Ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là dịp để con cháu, người thân trong gia đình sum họp, trở về từ khắp mọi miền của Tổ Quốc để tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên, hỏi thăm nhau, mừng tuổi và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất để khởi đầu 1 năm mới thuận lợi, nhiều may mắn, bình an, vạn sự hanh thông, tiền tài, sức khỏe….

Tết Nguyên Đán là gì? Có ý nghĩa như thế nào?
Tết Nguyên Đán có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Tết Nguyên Đán 2021 là năm con gì?

Tính theo lịch vạn niên, năm 2021 là năm trâu Tân Sửu – loài vật đứng thứ 2 trong số 12 con giáp. Những người sinh nam 2021 tính từ 12/02/2021 – 31/01/2022 sẽ thuộc tuổi Tân Sửu, mệnh Thổ với tính cách chăm chỉ, cần cù, chịu khó và tinh thần trách nhiệm cao.

1 số hình ảnh lịch Tết 2021 đẹp

Phong tục ngày Tết cổ truyền bao gồm những gì?

Ngày Tết có từ xa xưa, được lưu truyền tới ngày nay và trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Bao gồm rất nhiều phong tục ý nghĩa:

1. Phong tục cúng, lễ ngày Tết

Cúng Ông Công, Ông Táo

Cúng Ông Công, Ông Táo được xem là 1 trong những phong tục ngày Tết không thể thiếu, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp – ngày Táo quân lên Trời để bẩm báo Ngọc Hoàng những việc (bao gồm cả tốt và xấu) xảy ra trong năm vừa qua của gia chủ. Vì vậy, các gia đình thường chuẩn bị dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, thả cá chép vàng để tiễn Ông Táo về Trời.

Cúng Tất niên

Vào buổi chiều tối trong ngày cuối cùng của năm, tức là 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu), gia chủ làm mâm cơm cúng Tất niên và có thể mời thêm bạn bè, người thân đến dự để quây quần, sum vầy bên nhau, kể về những gì đã qua trong năm cũ và hứa hẹn những điều tốt đẹp trong năm mới.

Cúng Tất niên

Cúng Giao thừa

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, khi đất trời giao hòa. Lễ cúng Giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Cúng lễ Tân niên

Cúng Tân niên vào ngày mùng 1 đầu tiên của năm cũng được coi là phong tục ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (cảm tạ tổ tiên và mời tổ tiên về thụ lễ, ăn Tết cùng con cháu). Cỗ cúng có thể mặn hoặc chay tuỳ theo phong tục từng gia đình. 

Lễ cúng tiễn ông bà

Hay còn gọi là tiễn chân các cụ, thường thì sẽ làm vào ngày mùng 3 Tết (hết Tết) hoặc có thể du di đến mùng 4, mùng 5 với những gia đình đông con cháu hoặc con cháu ở xa. Bên cạnh làm mâm cơm cúng lễ thì ngày này còn làm lễ hoá vàng mã để tiễn ông bà tổ tiên về trời, đồng thời đón thần tài, thần lộc về nhà.

Lễ cúng tiễn ông bà

2. Món ăn truyền thống ngày Tết

Tết là dịp gia đình, người thân quây quần bên mâm cơm để cùng nhau ôn lại chuyện cũ, nói chuyện mới. Vậy nên, món ăn ngày Tết trên mâm cơm cũng vô cùng đa dạng, phong phú, đầy đủ theo phong tục, tập quán của từng vùng miền.

Món ăn ngày Tết miền Bắc

– Bánh Chưng: Loại bánh truyền thống không thể thiếu trong những món ăn ngày Tết của người Việt, chẳng vậy mà có câu “Thấy bánh Chưng là thấy Tết”. Đây không chỉ là món ăn vật chất mà còn là tinh thần, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời.

– Xôi gấc: Có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn đầu năm nên trong các món ăn ngày Tết cũng thường có xôi gấc với mong muốn vạn sự trong năm mới đều hanh thông, thuận lợi.

– Hành muối (Dưa hành): Tuy giản dị, dân giã nhưng lại được rất nhiều người ưa thích, ăn cùng bánh Chưng, thịt đông để chống ngán rất vừa miệng. Vì vậy, nhà nào cũng sẽ có 1 hũ hành muối trong ngày Tết.

– Giò: Là món ăn ngày Tết mang ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”. Cách chế biến cũng vô cùng đa dạng: giò nạc, giò mỡ, giò pha… thường cắt thành khoanh 6 miếng vô cùng đẹp mắt, tròn trịa.

– Gà luộc: Không chỉ có trong đám cưới, đám hỏi, cỗ bàn ngày thường mà món ăn ngày Tết cũng phải có thịt gà luộc để thể hiện sự đủ đầy, ấm no trong cả năm.

Món ăn ngày Tết miền Trung

– Bánh Tét: Nếu ngoài Bắc có bánh Chưng thì người miền Trung có bánh Tét, gói bằng lá chuối và làm thành hình trụ, biểu tượng cho sự hội tụ của đất và trời.

Nem chua: Cũng là món ăn ngày Tết để nhâm nhi cùng với rượu, giảm độ chán ngán của thịt, giò, chả…

– Dưa món: Thay cho dưa hành ngoài Bắc, được người miền Trung vô cùng yêu thích, làm từ các nguyên liệu đơn giản hàng ngày như: củ cải, cà rốt, dưa leo, đu đủ, củ kiệu… Ăn kèm với bánh Tét, thịt đông thì ngon hết ý.

– Tôm chua: Cũng là món ăn ngày Tết không thể thiếu của người dân miền Trung, đặc sản Huế.

Món ăn ngày Tết miền Nam

– Thịt kho dừa: Hay thịt kho hột vịt là món ăn ngày Tết truyền thống của người dân miền Nam. Cũng nguyên liệu ấy (thịt, nước dừa), hương vị ấy nhưng trong ngày Tết lại trở thành món vô cùng hấp dẫn, thơm ngon, dễ ăn. 

– Củ kiệu tôm khô: Nếu người miền Trung ăn củ kiệu với bánh Tét thì người miền Nam lại ăn với tôm khô để tăng thêm hương vị giòn, dai, chua chua, ngọt ngọt. 

– Canh khổ qua nhồi thịt:món ăn ngày Tết mang ý nghĩa đặc biệt, đúng như tên gọi thì khổ đã qua, sang năm mới sẽ đón chào niềm vui, may mắn mới, hạnh phúc, thành công.

– Dưa giá: Ăn cùng với cơm, cuốn bánh tráng, đặc biệt là đi kèm món thịt kho hột vịt thì ngon hết ý, giảm cảm giác chán ngán, mỡ màng.

3. Quà tặng ý nghĩa ngày Tết

Quà tặng ngày Tết cũng là 1 trong những phong tục được lưu truyền từ xưa đến nay. Tuy nhiên, nếu như trước kia chỉ ở quy mô gia đình (con cái biểu, tặng bố mẹ, ông bà) thì ngày nay, người thân, bạn bè, cũng có thể tặng nhau, cấp trên tặng cấp dưới hoặc ngược lại nhân viên tặng sếp.

Quà tặng Tết ý nghĩa cho ông bà, cha mẹ

  • Cây cảnh: mai, đào, quất, bonsai, sống đời, nụ tầm xuân…
  • Chuyến du xuân của cả gia đình.
  • Các sản phẩm bồi bổ sức khỏe: nấm linh chi, nhân sâm, yến sào, đông trùng hạ thảo…

Quà tặng Tết ý nghĩa biếu cấp trên

  • Rượu vang
  • Bia nhập khẩu
  • Các món đặc sản của quê hương
  • Quà tặng mang ý nghĩa phong thủy: vòng cổ, vòng tay…

Quà tặng Tết ý nghĩa biếu cấp trên

Quà Tết tặng nhân viên

  • Lịch treo tường
  • Giỏ quà Tết: bánh kẹo, trái cây, mứt, rượu…
  • Tiền thưởng Tết cho nhân viên
  • Quà tặng bằng hiện vật: bộ ấm chén, xoong nồi, bát đĩa… hoặc sản phẩm mà công ty kinh doanh.

Quà tặng Tết ý nghĩa cho khách hàng

  • Tranh, câu đối treo tường
  • Bộ ấm trà
  • Vật phẩm phong thủy
  • Quà tặng linh vật

Quà tặng Tết ý nghĩa cho khách hàng

4. Chúc Tết và mừng tuổi

Theo phong tục ngày Tết thì con cháu sẽ đi chúc Tết và mừng tuổi ông bà, mẹ cha vào sáng Mùng 1 đầu năm. Chúc cho cha mẹ dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi để hưởng thọ bên con cháu. Sau đó sẽ được nhận lì xì đỏ, tiền mừng tuổi xem như “mở hàng” để năm mới làm ăn thuận lợi, may mắn, tiền vào như nước, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, nghe lời bố mẹ và học hành giỏi giang… Tiền mừng tuổi có thể không cần nhiều, chủ yếu mang giá trị tinh thần.

Tương tự như vậy, anh em, bạn bè, đồng nghiệp… đến nhà nhau chúc Tết cũng sẽ mừng tuổi cho con, cháu của gia chủ kèm với lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt, năm nay bằng 10 năm ngoái….

5. Những phong tục khác trong ngày Tết

– Dọn nhà ngày Tết: Tổng vệ sinh sạch sẽ từ trong ra ngoài, sân nhà, đường làng ngõ xóm… để đón năm mới với nhiều điều mới, tốt đẹp hơn, loại bỏ những điều không may của năm cũ.

Gói bánh Chưng: Không chỉ đơn thuần là nấu ăn mà còn là phong tục có từ lâu đời, mang giá trị tinh thần to lớn trong ngày Tết. Các khâu chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt, đỗ, hành… đều khiến lòng người háo hức, vui vẻ.

– Chơi hoa ngày Tết: Tùy vào sở thích của mỗi gia đình sẽ chọn những loại cây khác nhau: quất, đào mai… để tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, tài lộc, thịnh vượng cả năm.

– Chuẩn bị mâm ngũ quả: Gồm 5 loại quả khác nhau để thờ cúng tổ tiên. Tùy vào phong tục của từng vùng, miền mà cách bày quả sẽ khác nhau.

– Thăm mộ tổ tiên: Thăm viếng, dọn dẹp sạch sẽ mộ tổ tiên, ông bà để thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn đối với những người đã sinh ra mình và bậc tổ tiên đã khuất.

– Xông đất: Chọn người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, phúc hậu, làm ăn thành đạt để xông đất đầu năm với mong muốn cả năm làm ăn thuận lợi, suôn sẻ, không gặp nhiều chắc trở, biến cố.

– Hái lộc đầu năm: Những cành lộc như si, sung, xanh… vào thời khắc Giao thừa hoặc sớm Mùng 1 đầu năm, với mong muốn được Thần, Phật linh thiêng ban cho tài lộc, may mắn suốt năm.

– Đi lễ chùa đầu năm: Cầu xin năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc, bình an, vạn sự hanh thông.

Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2021 theo quy định của Nhà nước

Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2021 là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, mong ngóng vì đây sẽ là dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm. Mọi người dù có đi xa, làm ăn ở bất kỳ mọi miền nào của Tổ quốc cũng sẽ tranh thủ về nhà trước ngày cuối cùng của năm để quây quần, sum họp bên gia đình, cùng nhau đón chào năm mới.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội nghỉ Tết Nguyên đán bảy ngày. Lịch nghỉ gồm hai ngày trước Tết và ba ngày sau Tết (chưa tính ngày nghỉ bù).

Do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết (tức ngày 13 đến 14-2-2021 Dương lịch) trùng vào thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày Mùng 4 và Mùng 5 tết (tức ngày 15 đến-16-2-2021 Dương lịch).

Như vậy, dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021, công chức, viên chức nghỉ liền bảy ngày liên tục, từ thứ tư, ngày 10-2-2021 đến hết thứ ba ngày 16-2-2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày Mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Còn đối với những người lao động, buôn bán tự do thì có thể nghỉ sớm hơn hoặc muộn hơn, tùy vào tính chất công việc. Tuy nhiên, mọi người đều sẽ cố gắng sắp xếp, tạm gác lại hết công việc để có thể trở về nhà đoàn viên trước đêm Giao thừa, đón năm mới bên những người thân yêu của mình.

Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến Tết Nguyên Đán (ý nghĩa, phong tục, các món ăn, quà biếu ngày Tết…) và lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2021. Chúc các quý độc giả của Mebeaz đón 1 năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, bình an, tài lộc đầy nhà, làm ăn phát đạt!

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.