Ngày tết ông công ông táo: Chuẩn bị vật phẩm, bài cúng sao cho đúng?

0 189

Đã từ rất lâu rồi trong tín ngưỡng và văn hóa người Việt ngày tết ông công ông táo luôn ẩn chứa những điều thiêng liêng, kỳ diệu. Vào ngày tết ông công ông táo 23 tháng chạp người ta chuẩn bị đồ cúng, cá chép để tiễn ông táo về trời với nhiều ý nghĩa thú vị. 

Những năm gần đây, tục cúng ông công ông táo đã bị một bộ phận người dân biến tướng, làm giảm ý nghĩa nhân văn tích cực!

Nội dung chính trong bài

Vì sao có ngày tết ông công ông táo?

Hình ảnh Táo Quân trong dân gian nước ta được xây dựng dựa trên sự tích về ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của người Trung Hoa. Khi về Việt Nam tích này trở thành truyền thuyết “ông Công, ông Táo” hay “2 ông, 1 bà”, “sự tích vua bếp”. 

Sự tích Táo Quân kể về 2 ông 1 bà
Sự tích Táo Quân kể về 2 ông 1 bà

Qua thời gian tích này có nhiều dị bản song vẫn được nhân dân lưu truyền rộng rãi. Câu chuyện được kể lại như sau: 

Xưa có nàng Nhị Thị lấy chồng là Trọng Cao. Hai người ăn ở, yêu thương nhau hết mức nhưng mãi chẳng có một mụn con. Vì lý do này mà Trọng Cao thay đổi tính tình, hay kiếm chuyện dằn vặt vợ, “chuyện bé xé to”…

Một hôm trong một lần không kiềm chế bản thân, Trọng Cao đã lớn tiếng và đánh đập Nhị Thị. Nàng bỏ đi lang thang hết nơi này tới nơi khác cho tới một ngày nàng được Phạm Lang cưu mang, cứu giúp. Cũng từ đấy, hai người kết thành phu thê.

Lại nói về Trọng Cao, sau khi đuổi vợ ra khỏi nhà thì rất hối hận và day dứt. Anh ta quyết định đi khắp nơi tìm kiếm vợ của mình.

Ngày này qua ngày khác, tiền gạo mang theo không còn, Trọng Cao trở thành một người ăn mày, hành khất kiếm cơm. Chẳng may, trong một lần đi ăn xin lại vào đúng nhà Nhị Thị. Hai người nhận ra nhau, Trọng Cao bày tỏ nỗi lòng, hai người mừng mừng tủi tủi.

Nhân lúc Phạm Lang không có nhà, Nhị Thị lén nấu cơm mời Trọng Cao ăn. Không lâu sau đó, Phạm Lang trở về. “Tình ngay, lý gian”, sợ chồng hiểu lầm, Nhị Thị bèn bảo Trọng Cao trốn vào đống rơm sau vườn.

Oan nghiệt thay, Phạm Lang lại đang muốn lấy tro bón ruộng nên châm lửa đốt, đúng vào đống rơm mà Trọng Cao đang trốn.

Nhị Thị vì thương chồng cũ vội nhảy vào đống lửa toan cứu Trọng Cao ra. Phạm Lang chưa hiểu hết sự tình thế nào nhưng thấy vợ nhảy vào lửa cũng chạy theo cứu vợ. Kết cục cả ba người bị chết trong đám cháy.

Ngọc Hoàng ở trên cao thấy vậy động lòng nên phong cho họ thành vua bếp gọi là Định Phúc Táo Quân.

Người chồng cũ Trọng Cao là Thổ Địa (trông coi nhà cửa), người chồng mới gọi là Thổ Công (trông coi trong bếp), người vợ Nhị Thị là Thổ Kỳ (Trông coi việc đi chợ, bếp núc).

>>Xem thêm: Tết Nguyên Đán 2021 là năm con gì? Lịch nghỉ Tết như thế nào?

Ý nghĩa ngày tết ông công ông táo trong tín ngưỡng người Việt

Trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt ông công ông táo được coi là những vị thần linh luôn theo sát, bảo vệ gia chủ, định đoạt cát hung trong nhà.

Táo Quân giúp xua đuổi ma tà xâm nhập vào thổ cư và đồng thời bảo vệ sự bình yên, may mắn cho những người trong nhà.

Táo Quân là vị thần nắm giữ cát hung trong nhà
Táo Quân là vị thần nắm giữ cát hung trong nhà

Táo Quân cũng là vị thần cai quản việc bếp núc, tượng trưng cho sự no ấm, yêu thương nhau như sự tích “2 ông một bà”.

Ngoài ra, Táo Quân sẽ ghi lại những việc làm tốt xấu, công tội của gia chủ để cuối năm trở về bẩm tấu với Ngọc Hoàng làm căn cứ thưởng phạt công minh. Điều này có ý nghĩa như sự nhắc nhở, hãy gắng làm nhiều việc lương thiện hơn thì sẽ được đền đáp.

Để được táo quân phù trợ, bẩm báo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng. Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng chạp cũng là ngày tết ông công ông táo, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị vật phẩm, cá chép để tiễn ông Táo về trời thật trọng thể. Sau đó đến đêm Giao Thừa Táo Quân sẽ trở về trần gian cùng với gia đình đón năm mới – Đây là một chu trình tiết lễ khép kín, âm dương hòa hợp.

Lý giải về cách bài trí bàn thờ ông công ông táo với gia tiên tổ đường. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian giải thích: ông Công là vị thần quyết định cát hung nên là vị thần quan trọng nhất nhưng ông bà tổ tiên lại lại được con cháu tôn kính nhất. Chính vì thế bàn thờ ông Công sẽ được đặt ở phía bên tay trái còn bàn thờ tổ tiên sẽ đặt ở giữa. (Trong luật ngũ hành, bên trái cũng là bên xếp thứ 2 sau vị trí trung tâm). 

Cách bài trí là như vậy nhưng thần lực của ông Công vẫn là lớn nhất. Mỗi khi cúng ông bà tổ tiên, gia chủ vẫn phải thỉnh mời, xin phép ông Công đầu tiên rồi mới đến gia tiên nhà mình. Cách giải thích này cũng phù hợp với tín ngưỡng, truyền thống văn hóa của người Việt ta từ trước tới nay.

Cách chuẩn bị đồ cúng tiễn ông công ông táo về trời

Đồ cúng trong ngày tết ông công ông táo thông thường có một mâm cơm, vàng mã, trái cây, hoa, trầu cau, đèn nến, cá chép. Trong đó:

Mâm cơm cúng ông công ông táo gồm những món ăn truyền thống như: xôi, giò, gà luộc, chân giò, món nấu, món xào…

– Vàng mã: Miền Trung thường cúng bằng một con ngựa giấy còn miễn Nam và Bắc chọn cúng ba chiếc mũ (bao gồm 2 mũ đàn ông có cánh chuồn và một mũ đàn bà), 3 đôi hia, 3 áo quan, tất cả đều sặc sỡ, lấp lánh. Sau khi cúng xong mang đi hóa.

Mâm lễ trong ngày tết ông công ông táo
Mâm lễ trong ngày tết ông công ông táo

– 3 Con cá chép vàng: Người dân nước ta quan niệm, cúng cá chép để hóa rồng và trở thành phương tiện để các vị Táo Quân lên chầu trời. Cúng cá chép vào ngày ông công ông táo xong người ta mang thả xuống hồ, ao, sông, suối sạch phóng sinh.

Hóa vàng cúng ông công ông táo
Hóa vàng cúng ông công ông táo

Ngày nay một bộ phận người dân đã biến tướng ngày tết ông công ông táo, sắm lễ linh đình, cúng cả máy bay, xe hơi, tàu điện với ý nguyện vật phẩm càng to thì càng được may mắn. Điều này đã làm giảm đi ý nghĩa và nét đẹp về ngày tết ông công ông táo.

Thêm một thực trạng đáng buồn về cách hành xử của những tiểu thương, cơ hội. Trên bờ người dân vừa mới thả cá chép phóng sinh thì bên dưới lòng hồ, ao đã có người vớt lên để mang đi bán lại. 

Ngoài ra, cứ vào ngày tết ông công ông táo xong thì lại phải có người đi dọn rác túi nilon của người dân thiếu ý thức bỏ lại. Như vậy, một tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp đã bị một bộ phận “làm quá” trở nên rất phản cảm.

Bài cúng 23 tết ông công ông táo như thế nào?

Nói về bài khấn cúng ông công ông táo ngày 23 tháng Chạp. Người bình thường thì có thể khấn theo suy nghĩ của mình, nghĩ gì khấn đấy. Trong khi một số người tín tâm sẽ có hẳn một bài khấn rất bài bản như sau:

Nam mô a di đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Ngài “Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân”.

Hôm nay là ngày 23, tháng chạp, năm…

Tên con là:…

Ngụ tại:…

Tín chủ con thành tâm thắp nén hương, sắp sửa mâm lễ, hương hoa phẩm luật, xiêm hia áo mũ, kính dâng lên thần. 

Con kính mời ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh thụ hưởng lễ vật.

Con cúi xin thần bỏ qua, đại xá cho lỗi lầm của gia chủ chúng con trong năm vừa qua.

Xin ngài ban phước lộc, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho trai gái, già trẻ dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đặt, bình yên, may mắn.

Mong thần chứng cho lòng thành của chúng con!

Nam mô a di đà phật (3 lần).

Ngày 23 tháng Chạp người dân chuẩn bị mâm lễ và khấn cúng Táo Quân
Ngày 23 tháng Chạp người dân chuẩn bị mâm lễ và khấn cúng Táo Quân

Năm 2021 cúng ông công ông táo vào ngày nào?

Lịch vạn niên năm 2021, ngày tết ông công ông táo 23 tháng chạp âm lịch chính là ngày 4/2/2021 dương dịch.

Nhiều người chị em đi làm công sở bận bịu thắc mắc có cần phải cúng Táo Quân đúng ngày không?

Nhà nghiên cứu văn hóa và tín ngưỡng dân gian tiến sĩ Ngô Đức Thịnh cho rằng: Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể sắp xếp cúng ông công ông táo vào buổi sáng, buổi chiều hoặc trước ngày 23 tháng Chạp 1- 2 ngày đều được. Tuy nhiên cúng đúng ngày vẫn là thời gian đẹp nhất.

Tục cúng tết ông công ông táo không chỉ là một nét đẹp tâm linh truyền thống mà còn thể hiện mong ước, hướng thiện của người dân Việt Nam. Hy vọng, ngày này sẽ được nhân dân ta lưu truyền muôn đời và giữ nguyên ý nghĩa tốt đẹp.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.