Thủ tục, cách tính chế độ nghỉ thai sản cho vợ, chồng mới nhất 2019

0 760

Nắm được thủ tục hưởng và cách tính chế độ nghỉ thai sản cho vợ, chồng giúp các ông bố, bà mẹ không bỏ qua những quyền lợi khi người phụ nữ mang thai và sinh con (trong trường hợp thực hiện đóng đúng, đủ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước. Vậy hãy cùng Mebeaz theo dõi bài viết này để biết thêm thông tin chi tiết về chế độ thai sản mới nhất năm 2019 nhé!  

Nội dung chính trong bài

Chế độ thai sản là gì?

Chế độ thai sản là quyền lợi mà người lao động nữ mang thai, sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng (bao gồm cả tiền và chế độ nghỉ thai sản) khi tham gia bảo hiểm xã hội. 

Điều kiện hưởng chế độ thai sản 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì điều kiện để được hưởng trợ cấp chế độ thai sản khi sinh con là lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp thai phụ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đối tượng được hưởng chế độ thai sản

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong 06 trường hợp sau đây:

  1. Lao động nữ mang thai
  2. Lao động nữ sinh con
  3. Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
  4. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng
  5. Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
  6. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con

Cách tính chế độ nghỉ thai sản mới nhất năm 2019

Từ năm 2014, trong chế độ nghỉ thai sản đã có thêm quy định người chồng cũng được hưởng chế độ khi vợ mang thai. Vì sinh con cũng cần đến sự đóng góp của nam giới nên họ hoàn toàn có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi được hưởng chế độ: nghỉ đưa vợ đi thăm khám, đi đẻ….

Chế độ nghỉ thai sản cho chồng

Theo điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản như sau:

Được nghỉ khi vợ sinh con

  • 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường
  • 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
  • 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
  • Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Trường hợp vợ chết sau khi sinh con

  • Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
  • Trường hợp mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
  • Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Trợ cấp một lần khi vợ sinh con

  • Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH thì sẽ có chế độ thai sản cho nam. Theo đó, người chồng được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng vợ sinh con cho mỗi con.
  • Trong khi đó, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, điều kiện để chồng được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con cụ thể như sau: Nếu chỉ có chồng tham gia BHXH thì chồng phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con…

Chế độ nghỉ thai sản cho vợ

Chế độ nghỉ khi mang thai

  • Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cho phép trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày.
  • Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Chế độ nghỉ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về chế độ nghỉ thai sản khi người mẹ bị sảy thai, nạo hút thai hoặc thai nhi bị chết như sau:

  • Thai dưới 05 tuần tuổi: Được nghỉ 10 ngày
  • Thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi: Được nghỉ 20 ngày
  • Thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi: Được nghỉ 40 ngày
  • Thai từ 25 tuần tuổi trở lên: Được nghỉ 50 ngày

Chế độ nghỉ khi sinh con

Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định khá chi tiết về thời gian hưởng chế độ nghỉ thai sản khi sinh con của lao động nữ, cụ thể:

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Sau khi sinh con, nếu con bị chết:

  • Con dưới 02 tháng tuổi chết thì người mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;
  • Con từ 02 tháng tuổi trở lên chết thì người mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết.

Thời gian nghỉ này không vượt quá thời gian nghỉ sinh con thông thường và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật lao động. 

Chế độ nghỉ khi tránh thai

Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian nghỉ việc tối đa khi thực hiện các biện pháp tránh thai như sau:

  • Nghỉ 7 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
  • Nghỉ 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Chế độ nghỉ thai sản của nữ mang thai hộ

  • Đối với trường hợp lao động nữ mang thai hộ: được hưởng chế độ khi nghỉ khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ tương tự như đối với người mang thai thông thường nhưng không vượt quá 06 tháng.
  • Trong trường hợp kể từ ngày sinh con đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Chế độ nghỉ thai sản của người lao động nhận con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Nếu đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng không nghỉ việc thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần.

Lưu ý: Thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thủ tục hưởng chế độ thai sản 

Theo Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016 quy định hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành. Theo đó:

Doanh nghiệp chuẩn bị

  • Danh sách thanh toán chế độ thai sản Mẫu C70A-HD;
  • Báo giảm lao động theo mẫu: Mẫu danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT Mẫu D02-TS Theo Quyết định 1018/QĐ-BHXH.

Người lao động chuẩn bị

– Sổ bảo hiểm xã hội.

– Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con.Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người lao động nộp hồ sơ cho DN (Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động).

Bước 2: Báo giảm lao động

+) Mẫu D01-TS

+) Mẫu D02-TS  – Theo Quyết định 1018/QĐ-BHXH

Bước 3: Lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản:

+) Mẫu C70A-HD

+) Bản sao giấy khai sinh của em bé (Photo công chứng)

+) Sổ bảo hiểm của lao động nữ sinh con

Thời hạn giải quyết:

  • Doanh nghiệp giải quyết và chi trả chế độ cho người lao động trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
  • Cơ quan BHXH thanh quyết toán cho DN trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

Mức hưởng chế độ thai sản 

  • Mức hưởng theo thời gian nghỉ

Mức hưởng 01 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH

  • Mức trợ cấp 1 lần

Điều kiện: Sinh con/ nuôi con dưới 06 tháng tuổi (kể cả trường hợp người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ)

Mức trợ cấp: mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Hiện tại mức tiền lương cơ sở đang là 1.390.000đ/tháng, vậy 2 tháng tiền lương tính bằng 2.780.000đ.

Trên đây là những thủ tục và cách tính chế độ nghỉ thai sản. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho các mẹ bầu và cả các ông chồng có vợ mang thai. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến chế độ thai sản, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp trong thời gian sớm nhất có thể.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.