Trẻ sơ sinh bị viêm phổi và những điều mẹ NHẤT ĐỊNH phải biết

0 167

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi là điều không ai mong muốn. Song có một sự thật là hàng năm ở nước ta số ca trẻ viêm phổi vẫn không ngừng tăng cao. Viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nặng nề và thậm chí là tử vong.

Nội dung chính trong bài

Viêm phổi rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh
Viêm phổi rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có những biểu hiện gì?

Viêm phổi có những biểu hiện rất giống các bệnh viêm đường hô hấp thông thường là trẻ ho và sốt. Thậm chí, lúc đầu trẻ chỉ bị nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phế quản nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới viêm phổi. 

Vậy mẹ cần nắm được những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh như sau:

– Trẻ bị ho và sốt. Có thể kèm theo chảy nước mũi, đờm.

– Trẻ bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc trong khi bú, nôn trớ.

– Giấc ngủ của trẻ không ổn định. Lúc ngủ nhiều, lúc lại ngủ ít.

– Áp tai vào ngực thấy bé thở khò khè, thở rít.

– Trẻ thở nhanh. Để nhận biết bé có thở nhanh hay không mẹ đặt bé ở mặt phẳng và yên tĩnh (tốt nhất lúc bé ngủ) đếm nhịp di chuyển ở bụng hoặc ở ngực của bé. Bé thở nhanh nếu thở:

  • Trên 60 lần/1 phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi.
  • 50 lần/1 phút với trẻ từ 2 tháng – 1 tuổi.
  • Trên 40 lần/1 phút với những trẻ trên 1 tuổi

– Trẻ có dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực, sùi bọt cua, cánh mũi thở phập phồng.

– Trẻ tím tái. Đây là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng. Cần phải nhanh chóng di chuyển tới phòng cấp cứu vì trẻ đang bị thiếu oxy.

>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị ho mẹ nên ĂN và KIÊNG gì giúp bé mau khỏi

Nguyên nhân khiến bé bị viêm phổi

Sức đề kháng của trẻ sơ sinh rất kém hơn nữa hệ hô hấp chưa hoàn thiện. Do vậy, trẻ rất dễ bị vi khuẩn, virus, khói bụi, gió lạnh… xâm nhập vào trong phổi và sinh ra nhiễm trùng. Ho, sốt và đờm là những phản ứng của cơ thể nhằm tống xuất vi khuẩn, virus ra khỏi cơ thể. 

Ngoài những yếu tố trên, viêm phổi ở trẻ sơ sinh cũng có thể xuất hiện sau một đợt trẻ bị ho và cảm lạnh bình thường.

Viêm phổi có thể xuất hiện sau đợt ho, cảm lạnh ở trẻ
Viêm phổi có thể xuất hiện sau đợt ho, cảm lạnh ở trẻ

Theo các bác sĩ nhi khoa, tỉ lệ mắc viêm phổi sẽ cao hơn ở những trẻ sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân và trong quá trình chuyển dạ người mẹ càng vỡ ối trước giờ đẻ sớm bao nhiêu thì tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc viêm phổi càng tăng lên bấy nhiêu.

Mức độ nguy hiểm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng

Viêm phổi còn có tên gọi khác là viêm phế quản phổi. Đây là một trong những căn bệnh gây tử vong đứng đầu ở trẻ dưới 1 tuổi.

Diễn tiến của bệnh viêm phổi rất nhanh khiến nhiều cha mẹ “không kịp trở tay”. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng máu, tràn dịch màng phổi, trụy tim… và nặng nhất là tử vong. Do đó, khi thấy các biểu hiện của bệnh viêm phổi cha mẹ cần nhanh chóng đưa em bé đi khám để kịp thời xử lý.

>> Xem thêm: 5 Cách hạ sốt theo phương pháp dân gian cho trẻ sơ sinh tại nhà

Chữa bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh như thế nào? Bao lâu thì khỏi?

Đầu tiên để điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ khám xem trẻ bị bệnh vì nguyên nhân gì sau đó mới kê thuốc. Nếu là do virus thì không cần phải dùng kháng sinh, còn nếu là do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bé.

Đa phần trẻ sơ sinh bị viêm phổi nhẹ đều được bác sĩ kê thuốc và điều trị chăm sóc tại nhà khoảng 5 – 10 ngày là khỏi.

Mỗi đợt điều trị viêm phổi có thể kéo dài từ 5 - 10 ngày
Mỗi đợt điều trị viêm phổi có thể kéo dài từ 5 – 10 ngày

Trường hợp phải nằm viện thì không có con số cụ thể, trẻ sẽ phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chủ yếu là tiêm thuốc qua tĩnh mạch kết hợp với liệu pháp hô hấp. 

Những trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phổi cần phải nhập viện gấp là: Trẻ sốt cao không hạ, co giật, tím tái và mất nước nặng.

Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi

Viêm phổi là một căn bệnh cha mẹ nhất định không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoảng sợ. Quan trọng nhất là cho em bé đi khám kịp thời và chăm sóc trẻ thật tốt. Những việc mẹ có thể làm cho bé là:

– Trong quá trình điều trị bệnh nên tích cực cho bé bú làm loãng đờm.

– Nếu trẻ đã ăn dặm mẹ nên nấu thức ăn dạng lỏng, mềm. Đồng thời chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu hóa.

– Không gian phòng cần sạch sẽ, thoáng mát. Kê gối cho trẻ cao hơn một chút để trẻ dễ thở hơn. Ngoài ra, nên thay đổi các tư thế nằm của trẻ để máu không ứ đọng nhiều trong phổi.

– Mặc quần áo đủ ấm, không quá chật và kín.

– Dụng cụ cá nhân của trẻ như cốc uống nước, khăn, tã, chăn… phải sạch sẽ. 

– Nhỏ nước muối sinh lý và hút mũi cho trẻ. Cách thực hiện mẹ tham khảo: https://mebeaz.com/hut-mui-tre-so-sinh-co-sao-khong/

Làm sạch đờm nhớt cho trẻ
Làm sạch đờm nhớt cho trẻ

– Bản thân mẹ cũng cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi bế bé. 

– Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp vật lý còn nếu trên 38,5 độ C cần phải hạ sốt cho bé bằng thuốc.

Trên đây là một số kiến thức cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Những ai chuẩn bị và đang làm mẹ hãy lưu vào để kịp thời ứng phó khi cần. Chúc sức khỏe!

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.