Mẹ cần biết: 4 cách phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh
Tắc tia sữa sau sinh không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ mà còn hưởng đến cả bé khi không đủ sữa bú. Vậy phải làm sao để phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh? Mẹ theo dõi ngay bài viết này để có câu trả lời nhé!
Nội dung chính trong bài
Tắc tia sữa sau khi sinh gây ảnh hưởng như thế nào?
TS.BS Lê Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M (Bệnh viện Từ Dũ – TP HCM) cho biết: “Tắc tia sữa là hiện tượng ống dẫn sữa trong hệ thống tuyến sữa của người mẹ bị tắc. Từ đó sữa được sản xuất nhưng không thoát ra được, sữa có thể tích tụ và tạo thành cục u ở vú”.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa sau khi sinh thì có rất nhiều: mẹ không cho bé bú sớm và thường xuyên, vệ sinh bầu vú không sạch, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài….
Tình trạng tắc tia sữa kéo dài sẽ gây 1 số ảnh hưởng đối với cả mẹ và bé:
– Đối với mẹ: Tắc tia sữa nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, người mẹ có thể bị: Viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khiến người mẹ đau đớn, khó chịu.
– Đối với bé: Mẹ bị tắc tia sữa sau khi sinh cũng khiến bé chịu nhiều thiệt thòi vì tắc sữa lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng ít sữa, mất sữa hoàn toàn. Từ đó, bé không đủ sữa bú sẽ quấy khóc, chậm tăng cân, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não…
- Xem thêm: Cách chữa viêm tuyến sữa sau khi sinh
Vậy tắc tia sữa sau khi sinh phải làm sao để phòng tránh?
Như đã nói ở trên thì tắc tia sữa sau khi sinh sẽ dẫn đến 1 loạt hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả mẹ và bé. Vậy phải làm sao để phòng tránh?
Dưới đây là 4 cách phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh hiệu quả nhất:
1. Vệ sinh núm vú sạch sẽ để phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh
Núm vú là phần vi khuẩn dễ xâm nhập, gây tắc tia sữa sau khi sinh. Vì vậy, mẹ cần vệ sinh núm vú sạch sẽ, nhất là phần đầu, các kẽ của đầu vú. Trước khi cho bé bú, mẹ cần lau sạch đầu vú (dùng khăn mềm, nhúng nước ấm), vắt vài giọt sữa đầu rồi mới cho bé bú. Sau khi bú xong cũng cần làm tương tự như vậy.
2. Cho con bú sớm và thường xuyên
Sữa mẹ tiết ra trong những ngày đầu là sữa non, rất đặc và nhiều chất dinh dưỡng. Vì thế dễ gây ra hiện tượng tắc sữa. Mẹ cần cho bé bú càng sớm càng tốt (24 giờ đầu tiên) để hưởng được dòng sữa ngọt ngào, quý báu này. Đồng thời, cho bé bú thường xuyên để ngực không bị căng tức, ứ đọng sữa, phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh.
3. Vắt sữa thừa phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh
Sau mỗi cữ bú, nếu trẻ bú không hết sữa, mẹ cần nặn hết sữa ra để đảm bảo không có sữa đọng lại bên trong, dễ vón cục lại, gây tắc tia sữa. Mẹ có thể dùng tay để vắt hoặc nếu sữa nhiều thì có thể dùng máy để hút, ở cả 2 bên bầu ngực. Nếu vắt sữa phát hiện tia sữa nào đó tắc hoặc chảy không thành tia thì xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông ống sữa khi cho bú như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa.
4. Tránh căng thẳng, mệt mỏi
Sản phụ bị căng thẳng, mệt mỏi kéo dài khiến cho hoạt động vùng dưới đồi của não và tuyến yên bị ảnh hưởng, khiến cho hàm lượng Oxytocin (có vai trò giải phóng sữa ra khỏi bầu ngực) giảm xuống mạnh mẽ, từ đó gây tắc sữa. Vì vậy, muốn phòng tránh tắc tia sữa sau khi sinh, mẹ cần tránh căng thẳng, nên thoải mái tinh thần, suy nghĩ tích cực, lạc quan.
Tóm lại, tắc tia sữa sau khi sinh là tình trạng rất nhiều sản phụ có thể gặp phải, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của bé, nhất là trong những tháng đầu đời ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý cách phòng tránh tắc tia sữa để có thể chăm sóc bé thật tốt nhé!
Nguồn: Mebeaz.com