Để bé ít bị ốm khi đi học: Mẹ đã biết 10 cách này chưa?

0 225

Trẻ nhỏ đến tuổi đi học hay bị ốm do thay đổi môi trường, thói quen sinh hoạt, tiếp xúc với nhiều mầm bệnh hơn…. Vậy mẹ phải làm như thế nào để bé ít ốm khi đi học? 

Nội dung chính trong bài

Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu đi học mầm non khi được 18 – 24 tháng (1 số bé có thể đi học sớm hơn do bố mẹ bận rộn, không có người trông nom). Việc thay đổi môi trường từ nhà đến lớp học khiến bé hay bị ốm hơn, có thể lây từ bạn các bệnh về đường hô hấp như cúm, sởi, đau mắt đỏ…

Một số bé đi lớp muộn hơn, tâm lý thường sợ hãi, quấy khóc vì không muốn xa vòng tay bố mẹ, từ đó ăn uống kém, ngủ ít khiến sức đề kháng suy giảm, ốm thường xuyên…. Tình trạng này kéo dài khiến mẹ mệt mỏi, không biết phải làm sao? 

Mebeaz sẽ mách mẹ 10 cách để bé ít ốm khi đi học:

1. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ

Hầu hết trẻ đi học đã bắt đầu ăn dặm hoặc ăn cơm, cháo như người lớn. Vì vậy, mẹ cần bổ sung dinh dưỡng qua các loại thực phẩm hàng ngày. Cân bằng đủ 4 nhóm chất trong bữa ăn của trẻ: chất béo, chất đạm, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Thay đổi thực đơn hàng ngày để kích thích trẻ ăn ngon miệng: thịt, cá, trứng, sữa…

2. Đừng quên bữa sáng

Bữa sáng được xem là có vai trò quan trọng nhất trong ngày. Một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất đã được chứng minh là rất quan trọng đối với chức năng của não cũng như việc duy trì mức năng lượng ổn định trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vì bận rộn, không có thời gian chuẩn bị nên bữa sáng của con thường làm qua loa, cho đồ ăn sẵn, uống hộp sữa, thậm chí để con bụng đói đi học với gói bim bim…. Điều này vô tình tạo thói quen xấu cho trẻ, bỏ bữa sáng hoặc ăn uống thiếu chất, rất có hại cho sức khỏe. 

Bữa sáng rất quan trọng với trẻ

3. Cho trẻ ngủ đủ giấc

Giấc ngủ có vai trò quan trọng, không chỉ với trí não mà còn sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ ngủ đủ giấc cơ thể sẽ khỏe khoắn, tinh thần tỉnh táo, ăn ngon, vui chơi cả ngày. Tùy theo từng độ tuổi, trẻ cần thời gian ngủ khác nhau nên mẹ cần cân đối để đảm bảo con không bị thiếu ngủ. Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần ngủ khoảng 13 – 14 giờ/ngày, trẻ từ 3 – 6 tuổi cần khoảng 11 – 12 giờ/ngày. Do đó, ngoài thời gian ngủ ở trường, cha mẹ cần đảm bảo ở nhà con ngủ khoảng 11 giờ với trẻ 1 – 3 tuổi, 9 giờ với trẻ 3 – 6 tuổi.

4. Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách

Rửa tay là việc làm vô cùng cần thiết, giúp trẻ hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn, nhất là trong tình hình dịch bệnh covid 19 như hiện nay. Hãy hướng dẫn con rửa tay sau khi ho, hắt hơi, sau khi đi vệ sinh, trước và trước khi ăn. Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn không chỉ giúp rửa sạch các vi khuẩn có hại trên tay mà còn giúp phòng ngừa bệnh tật cho bản thân và người xung quanh.

5. Cho trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên

Các bài tập thể dục không những giúp tăng cường sức khỏe, sự linh hoạt, dẻo dai mà còn tăng cường lưu thông máu cũng như tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại bệnh tật. Tùy vào từng độ tuổi, mẹ sẽ chọn các bài tập thích hợp cho con hoặc tham gia các trò chơi thể lực nhẹ nhàng như: đá cầu, chạy bộ…

Trẻ cần tăng cường tập luyện để nâng cao sức khỏe

6. Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Trẻ nhỏ cần có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng chống các tác nhân gây bệnh. Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, rửa tay thường xuyên… Ngoài ra, mẹ cần hướng dẫn bé 

không chạm tay vào mặt, mũi thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi, không dùng chung vật dụng cá nhân như cốc, khăn mặt… của người khác để tránh lây bệnh.

7. Cho trẻ ở nơi thoáng mát, sạch sẽ

Môi trường nhiều bụi bẩn và ẩm mốc là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, tấn công, gây bệnh. Vì vậy, để trẻ ít bị ốm, mẹ không những phải giữ vệ sinh cho trẻ mà cả môi trường xung quanh. Phòng ngủ của bé cần đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Tương tự như vậy, lớp học của trẻ cũng cần sạch sẽ, tránh bụi bẩn, ẩm mốc… Vấn đề này mẹ có thể trao đổi với cô giáo hoặc chú ý kiểm tra cơ sở vật chất trước khi cho con đi học.

8. Chú ý đến tâm trạng của trẻ

Trẻ đi học đồng nghĩa với việc xa rời vòng tay bố mẹ, đối mặt với nhiều nỗi lo hơn, nhất là trong khoảng thời gian đầu chưa quen, bạn bè, thầy cô… còn lạ lẫm, mới mẻ. Với trẻ lớn hơn thậm chí còn áp lực về chuyện học hành, bài tập về nhà… Vì vậy, bố mẹ cần chú ý quan sát, luôn chia sẻ, động viên, vỗ về trẻ, giải tỏa cho con những căng thẳng, sợ hãi khi con đến trường. Hãy tạo cho trẻ cảm giác thật an toàn để con có thể dựa dẫm và dạy con mạnh mẽ hơn.

Cha mẹ cần chú ý đến tâm trạng của trẻ

9. Không lạm dụng kháng sinh

Nhiều bậc cha mẹ cứ thấy con ốm, sốt là cho nghỉ học, tự ý mua thuốc cho con uống tại nhà, không cần chẩn bệnh, kê đơn. Tuy nhiên, việc tùy tiện lạm dụng kháng sinh như vậy sẽ vô tình diệt cả những vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ, dẫn tới hiện tượng “nhờn” thuốc, làm cơ thể bé không thể tự chống lại sự xâm nhập của những loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh. Vì vậy, khi con ốm, tốt nhất hãy chú ý theo dõi và cho trẻ đến khám bác sĩ để yên tâm hơn.

10. Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch

Để tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh cho con, cha mẹ cần đảm bảo bé được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Trên đây là gợi ý 10 cách giúp trẻ ít ốm khi đi học. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, giúp cha mẹ biết được những giải pháp tốt nhất khi chăm sóc bé yêu. 

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.