Mách mẹ cách điều trị tại nhà khi trẻ sơ sinh bị lên rôm sảy
Trẻ sơ sinh lên rôm sảy là hiện tượng không còn xa lạ với nhiều người. Mặc dù là bệnh ngoài da lành tính nhưng nếu không điều trị rôm sảy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe các bé. Vậy cách điều trị là gì và tắm nước lá gì cho bé hết rôm sảy? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung chính trong bài
Biểu hiện rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh thường có biểu hiện là những nốt mẩn đỏ li ti như đầu kim hoặc hình tròn lấm tấm, đầu rôm có chút nước.
Trẻ sơ sinh hay bị lên rôm sảy ở đầu, mặt, cổ, ngực, lưng… Có thể mọc dày thành từng đám màu đỏ, ngứa và cảm giác nóng rát. Rôm sảy tự thân không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nếu trẻ ngứa ngáy, gãi nhiều dẫn tới việc viêm da, lở loét, vi khuẩn xâm nhập.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh lên rôm sảy
Nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ sơ sinh bị lên rôm sảy là vào những lúc thời tiết nóng bức, oi ả, các ống tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh làm cho mồ hôi không thoát ra ngoài được và ứ đọng lại dưới da. Mặc khác, các ống bài tiết lại hay bị bụi và ghét bít dính khiến là da bé mọc nhiều rôm sảy.
Nguyên nhân gián tiếp của hiện tượng này là:
– Do thời tiết quá nóng bức.
– Các mẹ ủ ấm quá kỹ cho trẻ, mặc nhiều quần áo vì sợ trẻ nhiễm lạnh.
– Phòng ngủ bức bí, chật chội.
– Cách chăm sóc, vệ sinh làn da chưa tốt.
– Trẻ mới bị ốm sốt, nhiệt độ cao lại không thể tắm rửa thường xuyên.
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh có tự khỏi được không?
Bản chất của rôm sảy ở trẻ sơ sinh là do thời tiết quá nóng bức mà sinh ra, do đó khi cơ thể trẻ trở nên mát mẻ, thoáng mát rôm sảy ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi.
Mặc dù vậy không phải rôm sảy sẽ khỏi hoàn toàn mà các triệu chứng của rôm sảy sẽ tái phát khi gặp thời tiết nóng nực, oi ả và mùa hè hoặc các mẹ không vệ sinh chăm sóc da đúng cách.
Trẻ sơ sinh bị lên rôm sảy có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh lên rôm sảy thường là không nguy hiểm tới tính mạng. Mặc dù vậy cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của các bé vì rôm sảy làm trẻ ngứa ngáy, quấy khóc nhiều, ăn uống kém hơn dẫn tới cân nặng bị giảm sút.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp trẻ sơ sinh bị rôm sảy tái phát nhiều lần sẽ trở thành rôm sảy sâu, tức là không chỉ bị trên bề mặt da mà còn nằm sâu bên trọng. Các tổn thương này có màu thâm, mồ hôi không lan rộng ra được trẻ dễ bị kiệt sức, nôn ói thậm chí là tim trẻ đập nhanh hơn…
Không chỉ có vậy, các lớp mụn rôm vỡ ra nếu không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn xâm nhập dễ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết ảnh hưởng tới cả tính mạng của con.
Như vậy, trẻ sơ sinh lên rôm sảy nếu được can thiệp kịp thời sẽ không có gì lo ngại nhưng nếu để bệnh quá lâu và không chăm sóc kỹ sẽ vô cùng nguy hiểm.
>>Xem thêm: Từ A – Z cách chăm sóc trẻ sơ sinh, từ bé trai cho tới bé gái mới đẻ
Khi trẻ bị rôm sảy quá 7 – 10 ngày trở lên, lan rộng toàn thân và có dấu hiệu bội nhiễm như: da sưng tấy, trẻ lên rôm sảy có mủ chảy ra, nổi hạch… cần đưa con tới bệnh viện để chữa trị kịp thời.
Cách điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây rôm sảy là do cơ thể trẻ bị nóng, da không thoát nhiệt được vì thế cách chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh ở thể nhẹ cũng rất đơn giản là:
– Tạo không gian thoáng mát: nới lỏng quần áo, dùng điều hòa, máy lạnh tạo không khí mát mẻ.
– Vệ sinh chăm sóc da cho trẻ sơ sinh đúng cách.
– Không cho trẻ gãi hoặc cào vào mụn rôm tránh xước da khiến vi khuẩn tấn công.
– Xoa nhẹ vùng bị rôm sảy để con quên đi cảm giác ngứa ngáy và dễ chịu hơn.
– Tắm thường xuyên bằng nước sạch cho trẻ, lưu ý nếu chọn sữa tắm chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh cần đảm bảo an toàn cho da bé, không có chất tẩy mạnh và không gây kích ứng cho da.
– Một số người cho rằng sử dụng phấn rôm chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh, điều này đôi khi lại còn phản tác dụng khiến da bé bức bí hơn, chưa kể tới chất lượng của phấn rôm như thế nào.
– Khi rôm sảy ở thể nặng hơn, rôm sảy sâu có thể mẹ sẽ phải dùng tới các loại thuốc bôi chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh để giảm các giác ngứa ngáy khó chịu đề phòng biến chứng. Mặc dù vậy nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, các mẹ có thể sử dụng một số loại lá tắm chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh theo kinh nghiệm dân gian rất hiệu quả và cũng giúp da mát mẻ hơn.
>>Xem thêm: Quy trình tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách tại nhà “chuẩn” như ở viện
Các loại nước lá tắm điều trị rôm sảy
Sử dụng một số loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh bị lên rôm sảy như: sài đất, lá khế, trà xanh, vòi voi, kinh giới, tía tô, mướp đắng… Hay đơn giản chỉ là một vài giọt chanh vào chậu nước tắm cũng mang lại tác dụng nhanh chóng.
Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
– Nguồn gốc các loại lá tắm phải sạch sẽ, không bị dính thuốc bảo vệ thực vật.
– Trước khi đun nước tắm cho bé nên rửa sạch sẽ, ngâm nước muối để loại bỏ hết vi khuẩn không tốt cho da.
– Nên tắm tráng lại bằng nước trắng ấm sau khi tắm nước lá.
Tóm lại, trước khi trẻ sơ sinh bị lên rôm sảy, các mẹ nên phòng ngừa cho các bé bằng cách tạo không gian thoáng mát, không quấn trẻ quá kỹ, mặc quần áo chất liệu vải cotton dễ thấm hút mồ hôi… thì rôm sảy sẽ không có cơ hội xuất hiện.
Nguồn: Mebeaz.com