Mách mẹ xử lý đúng cách khi trẻ sơ sinh bị viêm phế quản

0 61

Không khí ô nhiễm, thời tiết thay đổi là những yếu tố vô cùng thuận lợi khiến trẻ sơ sinh bị viêm phế quản. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì sức đề kháng của bé còn yếu. Ứng phó với bệnh viêm phế quản ra sao? Cách phòng bệnh cho bé như thế nào? Mẹ quan tâm tới chủ đề này cùng theo dõi ngay sau đây.

Nội dung chính trong bài

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh đang bị viêm phế quản

Viêm phế quản là viêm niêm mạc phế quản, chưa xuống phổi còn gọi là sưng cuống phổi, viêm đường hô hấp dưới. Trẻ mắc viêm phế quản sẽ có những dấu hiệu điển hình sau:

– Lúc mới bị: Trẻ ăn và bú kém, ngạt và sổ mũi, khó thở, ho khan và có đờm ở cổ, quấy khóc nhiều hơn. Trẻ ở giai đoạn sớm này có thể sốt nhẹ hoặc tiêu chảy.

– Lúc bệnh phát triển: Thường là sau 3 ngày, trẻ sốt cao 39 – 40 độ, ho nhiều, đờm nhớt có màu vàng, xanh rất đặc. Ngoài ra trẻ cũng khó khăn khi thở, thở khò khè, cảm giác ngủ ngáy to.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh bị viêm phế quản là do nhiễm khuẩn mà chủ yếu là phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn gây ra. Ở điều kiện bình thường những loại vi khuẩn này vẫn “đóng quân” nhiều trong khoang họng, mũi của trẻ. Song không ảnh hưởng gì tới bé vì sức đề kháng của trẻ vẫn hoạt động tốt, bé lại bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời nên có thể chống lại nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên, những hôm sức đề kháng suy giảm, trẻ bị mệt mỏi sẽ “kích hoạt” vi khuẩn hoạt động, tiết ra độc tính và gây bệnh viêm phế quản cho trẻ sơ sinh.

Ngoài nhiễm khuẩn thì khói bụi ô nhiễm, ẩm mốc, mùi của các loại hóa chất độc hại, khói thuốc lá, tiếp xúc với lông động vật… cũng là những nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm phế quản ở các em bé.

Thêm nữa, vào những hôm thời tiết thay đổi, chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột cũng làm trẻ mắc bệnh nhiều hơn.

>> Xem thêm: 3 Mẹo chữa trị ho có đờm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mẹ cần biết

Biến chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Viêm phế quản là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hệ hô hấp của con, khiến trẻ luôn trong tình trạng khó chịu, mệt mỏi, ăn ngủ không ngon giấc…

Không nên chủ quan với bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Không nên chủ quan với bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Nghiêm trọng hơn viêm phế quản sẽ biến chứng thành viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Viêm phổi lại có diễn tiến rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong vì suy hô hấp.

Cách xử lý khi trẻ sơ sinh mắc viêm phế quản

Cần phải khẳng định một điều là bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có thể điều trị dứt điểm nếu làm đúng cách. Đa số các trường hợp đều có thể tự điều trị tại nhà trong vòng 5 – 10 ngày là khỏi. 

Nếu là trường hợp nhẹ các bác sĩ sẽ không khuyên mẹ sử dụng kháng sinh. Mẹ chỉ nên dùng kháng sinh khi trẻ bị nhiễm khuẩn và cần phải được bác sĩ kê đơn. Chủ yếu là điều trị triệu chứng như uống thuốc long đờm, vệ sinh khoang miệng bằng nước muối sinh lý và có chế độ chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phế quản tại nhà thật tốt:

– Tăng cường cho bé bú và uống nước ấm để làm loãng đờm.

– Vệ sinh khoang miệng, hút mũi cho trẻ.

Rửa mũi hàng ngày cho bé
Rửa mũi hàng ngày cho bé

– Nếu trẻ đã ăn dặm mẹ nên nấu những món ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa cho con. Nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho bé.

– Vệ sinh sạch sẽ không gian của bé. Những vật dụng hàng ngày như ca, cốc, tã, bỉm, chăn màn… cũng cần phải làm sạch.

– Mẹ có thể dùng điều hòa cho trẻ nhưng hãy điều chỉnh nhiệt độ khoảng 26 – 28 độ C và cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 2 – 3 độ. Không để gió quạt, điều hòa chĩa thẳng vào người của bé.

– Mặc quần áo đủ ấm, rộng rãi cho trẻ.

– Nhiều mẹ thắc mắc, trẻ sơ sinh bị viêm phế quản có tắm được không? Câu trả lời là mẹ vẫn cần phải tắm rửa cho bé nhưng chú ý tắm trong phòng kín gió, thời gian tắm không quá lâu. 

Trẻ bị viêm phế quản khi nào cần nhập viện?

Những trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phế quản cần đi khám và nhập viện gấp khi có những triệu chứng sau:

– Trẻ sốt cao không dứt. Thuốc hạ sốt không đáp ứng được

– Trẻ ho nhiều không khỏi, bỏ bú, người mệt mỏi.

– Trẻ có biểu hiện khó thở, co giật, người tím tái.

Trường hợp trẻ ho đờm kéo dài, mũi nhiều trên 1 tuần mẹ cũng nên đưa bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán và có các biện pháp khắc phục.

>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị ho mẹ nên ĂN và KIÊNG gì giúp bé mau khỏi

Trẻ viêm phế quản lâu ngày nên đi khám 
Trẻ viêm phế quản lâu ngày nên đi khám

Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ

Mặc dù có thể điều trị dứt điểm nhưng viêm phế quản vẫn có thể tái phát nếu gặp cơ hội thích hợp. Lâu dần bệnh chuyển thành viêm phế quản mạn tính ở trẻ, rất khó điều trị. Do đó phòng bệnh là yếu tố vô cùng quan trọng.

– Mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì trong vòng 2 năm.

– Luôn vệ sinh sạch sẽ không gian của trẻ.

– Tránh để bé tiếp xúc với khói bụi, lông động vật, các mùi hóa chất như sơn móng tay, thuốc nhuộm tóc, phấn hoa…

– Không nên để trẻ lại gần những người có biểu hiện bị bệnh. Đồng thời từ chối thẳng thừng những nụ hôn “nguy hiểm”.

– Giữ ấm cho trẻ nhưng không nên ủ ấm quá mức khiến trẻ đổ mồ hôi và nhiễm lạnh ngược.

– Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho con.

Các bậc phụ huynh thân mến! Hiện tượng trẻ sơ sinh bị viêm phế quản chắc hẳn không còn xa lạ gì với chúng ta. Nhưng nếu chủ quan, lơ là không chữa trị thì một ngày nào đó chính các mẹ sẽ phải hối hận. Vậy hãy luôn có các biện pháp bảo vệ, phòng tránh thật tốt thì bệnh sẽ không có cơ hội xuất hiện.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.