Trẻ sơ sinh thở thế nào là nhanh? Cách xử lý an toàn cho bé
Nhịp thở của một em bé ở mỗi độ tuổi lại có sự khác nhau. Đôi khi chúng ta tưởng trẻ sơ sinh thở nhanh nhưng sự thực lại không phải như vậy. Tuy nhiên trong trường hợp bé thực sự thở nhanh và gấp là cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm mẹ không được chủ quan.
Nội dung chính trong bài
Trẻ sơ sinh thở như thế nào là nhanh?
Theo các chuyên gia sức khỏe, nhịp thở của một đứa trẻ sơ sinh vốn dĩ khác với người lớn. Bé thường thở ngắn, ngắt quãng hay đôi khi thở nhanh và gấp. Lý do là vì hệ hô hấp của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện.
Trên thực tế, nhịp thở bình quân của một em bé sơ sinh rơi vào 40 – 60 lần/ phút. Trong khi nhịp thở của một người trưởng thành vào khoảng 12 – 20 lần. Điều này chứng tỏ, trẻ nhỏ luôn thở nhanh hơn người lớn chúng ta. Do đó, các bậc phụ huynh đừng vội quá lo lắng, sợ hãi.
Mặc dù vậy, nếu thực sự một đứa trẻ thở nhanh cũng cảnh báo những vấn đề sức khỏe đáng lo lắng. Vậy trẻ sơ sinh thở như thế nào là nhanh? Theo tổ chức y tế thế giới WHO, những em bé có nhịp thở nhanh khi:
- Thở hơn 60 lần/ 1 phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi.
- Thở hơn 50 lần/ phút với em bé từ 2 tháng – 1 tuổi.
- Thở hơn 40 lần/ phút với trẻ từ 1 – 5 tuổi.
Cách đếm nhịp thở của trẻ để phát hiện bé có thở nhanh hay không
Một số bà mẹ vẫn chưa biết cách xác định trẻ sơ sinh có thở nhanh hay không? Vậy mẹ hãy áp dụng một số quy tắc đếm nhịp thở của trẻ như sau:
– Mẹ vỗ về, âu yếm bé và đặt bé lên một mặt phẳng nào đó.
– Giữ cho bé không khóc và ở trạng thái yên tĩnh nhất có thể.
– Mẹ nhẹ nhàng vén áo bé lên. Áp tai vào ngực hoặc bụng của con.
– Bắt đầu đếm nhịp thở của con trong vòng 1 phút. Mỗi lần hít vào thở ra được tính là một nhịp thở.
– Để tăng mức độ chính xác, mẹ có thể đếm lại 2 – 3 lần.
Trẻ sơ sinh thở nhanh cảnh báo vấn đề sức khỏe gì?
Trẻ sơ sinh thở nhanh và mạnh ở bụng là dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang bị thiếu oxy. Nguyên nhân là do hệ hô hấp của bé đang gặp vấn đề như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng thời tiết, viêm phế quản, viêm phổi… sinh ra nhiều đờm nhớt và bít tắc đường thở của trẻ.
Nếu trẻ sơ sinh thở nhanh và rít, chảy nước mũi hoặc ho nhưng vẫn ăn ngủ bình thường thì mẹ có thể tạm yên tâm vì trẻ chỉ viêm đường hô hấp trên.
Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu thở nhanh kèm ho sốt kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì rất có thể bé bị viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi. Đây là những bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là viêm phổi. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại biến chứng nặng nề hoặc thậm chí là tử vong do suy hô hấp.
Mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh thở nhanh?
Trước tiên, khi thấy bé thở nhanh và gấp mẹ không được quá hoảng loạn. Hãy cho bé bú đều đặn và theo dõi những biểu hiện của con.
– Trường hợp 1: Nếu trẻ thở nhanh, vẫn bú đều đặn. Mẹ hãy kiểm tra họng và mũi của con có đờm nhớt không? Nếu có hãy dùng nước muối sinh lý để làm sạch. Đồng thời kê gối cao hơn. Đừng quên cho con bú hoặc uống nhiều nước ấm (trên 6 tháng tuổi mới được uống nước) để làm loãng đờm.
– Trường hợp 2: Nếu thấy trẻ thở nhanh kèm theo biểu hiện da tím tái, bỏ bú, sốt cần nhanh chóng đưa con đi khám để được xử lý kịp thời.
Mẹ tuyệt đối không được sử dụng các mẹo dân gian hay thuốc chữa mà chưa có sự cho phép của bác sĩ. Điều mẹ cần làm nhất là theo dõi các dấu hiệu của con. Nếu không có điều gì bất thường thì chỉ cần chăm sóc thật tốt, tránh xa các tác nhân như gió lạnh, khói bụi ô nhiễm, lông động vật… là các vấn đề của trẻ sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản để mẹ ứng phó với hiện tượng trẻ sơ sinh thở nhanh. Xin nhắc lại, đừng hoảng hốt mà hãy theo dõi thêm các biểu hiện của trẻ thì mới có phương pháp xử lý chính xác. Chúc sức khỏe!
Nguồn: Mebeaz.com