6 lợi ích khi massage cho trẻ sơ sinh – Cách massage từng bộ phận
Vẫn biết massage cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích nhưng các mẹ đã biết khi nào thì massage cho bé chưa? Cách massage từng bộ phận: đầu, mặt, lưng, bụng, cánh mũi, mắt, lòng bàn chân… như thế nào đúng nhất? Cùng Mebeaz theo dõi bài viết này để học và làm theo hướng dẫn nhé!
Nội dung chính trong bài
6 lợi ích khi massage cho trẻ sơ sinh
1. Massage cho trẻ sơ sinh giúp phát triển trí não, thể chất
Các bác sĩ khoa nhi khẳng định trẻ sơ sinh được massage thường xuyên, tiếp xúc da – da với mẹ có điều kiện phát triển hơn cả về thể chất, trí tuệ và tình cảm. Hơn nữa, massage cũng giúp bé có thân hình săn chắc, dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Giúp tăng cường quá trình lưu thông máu, tăng khả năng bài tiết và quá trình trao đổi chất thông qua làn da của bé.
2. Tăng cường hệ miễn dịch
Massage cho trẻ sơ sinh hỗ trợ thúc đẩy hệ miễn dịch của bé hoạt động tốt hơn, giúp bé đề kháng tốt với bệnh tật. Nghiên cứu với các bé 10 tuần tuổi cho thấy, những bé thường xuyên được mẹ massage lưng thì ít bị cảm lạnh và tiêu chảy hơn. Do đó, bé ít được mẹ xoa bóp đồng nghĩa với có hệ miễn dịch kém hơn.
3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon, lên cân tốt
Massage cho trẻ sơ sinh giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột co bóp, đẩy phân ra khỏi đại tràng, massage cải thiện tình trạng táo bón đầy hơi. Đồng thời, kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn, bú khỏe và lên cân đều hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy những đứa bé vừa mới sinh được massage 3 lần mỗi ngày thì trong vòng 10 ngày đã tăng gần 25% trọng lượng cơ thể bé lúc sinh.
4. Massage cho trẻ sơ sinh giúp giảm căng thẳng
Một em bé bị căng thẳng sẽ quấy khóc nhiều, ảnh hưởng tới hoạt động của các bộ phận trên cơ thể, gây đau đầu do cảm giác quá tải. Trẻ sơ sinh được massage có thể làm giảm đáng kể căng thẳng do nó làm giảm hàm lượng hormone stress là cortisol, giúp xoa dịu cơn đau.
5. Massage giúp trẻ ngủ ngon hơn, thở đều nhịp
Trẻ sơ sinh thường thở không đều (lúc nhanh – lúc chậm). Tuy nhiên, vì da là tổ chức lớn nhất trên cơ thể và chứa nhiều đầu dây thần kinh nên massage cho trẻ sơ sinh tác động lên da. Từ đó, giúp bé thư giãn, ngủ ngon hơn, điều hòa hơi thở, thở đều nhịp hơn.
6. Gắn kết tình mẫu tử
Thường xuyên massage cho trẻ sơ sinh giúp bé có cảm giác được yêu thương, trân trọng hơn. Cha mẹ thấy bé được vui vẻ, thư giãn, thoải mái, phát triển khỏe mạnh từng ngày cũng hạnh phúc hơn, xem con là động lực để phấn đấu. mẹ dành thời gian massage cho con cũng sẽ hiểu và cảm thấy gắn kết với con nhiều hơn.
Khi nào thì nên massage cho trẻ sơ sinh?
Như đã nói ở trên thì massage cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích. Vậy khi nào thì nên massage cho trẻ?
- Thời điểm tốt nhất là khi cả mẹ và bé đều cảm thấy thư giãn, thoải mái về tinh thần cũng như thời gian, không bị bó buộc, vội vàng.
- Có thể massage cho bé khi vừa tắm xong. Nước ấm có vai trò làm giãn các mao mạch máu, giúp tăng hiệu quả massage để thư giãn toàn bộ cơ thể.
- Không massage cho trẻ sơ sinh khi bé đang quá no, dễ dẫn đến nôn, trớ, ọc sữa, hoặc quá đói, khiến bé khó chịu, cồn ruột.
- Không massage khi trẻ đang buồn ngủ, gắt ngủ hoặc lúc mới ngủ dậy còn chưa tỉnh, thân nhiệt chưa ổn định trở lại.
Xem thêm: Có nên dùng dầu massage cho trẻ sơ sinh không? Các loại dầu mát xa cho bé
Hướng dẫn massage đúng cách từng bộ phận cho trẻ sơ sinh
1. Cách massage đầu cho trẻ sơ sinh
- Massage đầu cho trẻ sơ sinh chỉ áp dụng với những bé từ 4 tháng tuổi trở lên vì phần đầu (thóp) của bé dưới 4 tháng còn mềm, chưa ổn định. Mẹ không nên dùng lực tác động vào.
- Chỉ khi bé được trên 4 tháng, có thể chủ động kiểm soát được đầu và cổ của mình, mẹ có thể massage một cách nhẹ nhàng bằng cách dùng ngón tay trỏ tạo hình vòng tròn nhỏ trên đầu bé.
2. Massage mặt cho trẻ sơ sinh
- Nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ của bạn tạo hình vòng tròn nhỏ trên mặt bé, bắt đầu từ trung tâm của trán và từ từ vuốt ve sang hai bên của khuôn mặt bé.
- Từ trán, mẹ chuyển tới má, mũi, cằm của bé.
- Massage tai bằng cách dùng hai ngón trỏ và ngón tay cái của mẹ day nhẹ tai bé từ phía dưới lên vành tai trên.
3. Massage cánh mũi cho trẻ sơ sinh
- Massage cánh mũi cho trẻ sơ sinh giúp trẻ giảm các triệu chứng ho, nghẹt mũi, khó thở.
- Dùng ngón tay di chuyển từ đỉnh mũi xuống 2 bên má.
- Sau đó, dùng các đầu ngón tay di chuyển liên tục phía trên 2 má bé như giọt mưa rơi trên má của trẻ.
- Thường xuyên thực hiện mỗi động tác khoảng từ 2 – 3 lần.
4. Massage lưng cho trẻ sơ sinh
- Massage lưng cho trẻ sơ sinh giúp xương sống của bé trở nên cứng cáp hơn.
- Cho bé nằm sấp, đặt hai bàn tay lên lưng bé, xoa nhịp nhàng lên xuống theo chiều ngược nhau.
- Xoa từ lưng xuống mông bé, sau đó xoa dần lên vai rồi xoa xuống dưới 1 lần nữa.
5. Cách massage mắt cho trẻ sơ sinh
- Massage mắt cho trẻ sơ sinh giúp thông tuyến lệ (trẻ khóc nhưng không thấy nước mắt), giúp đôi mắt bé được thư giãn.
- Mẹ dùng ngón tay massage nhẹ nhàng góc mắt cho bé.
- Bắt đầu từ góc trong của mí mắt rồi di chuyển (vuốt xuôi) xuống phía mũi.
- Cha mẹ nên thực hiện massage tuyến lệ cho bé từ 5 – 10 lần/ngày, mỗi lần massage từ 5 – 10 phút.
6. Massage bụng cho trẻ sơ sinh
- Massage bụng cho trẻ sơ sinh giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm táo bón đầy hơi.
- Mẹ có thể dùng ngón trỏ tạo vòng tròn trên bụng con, lấy tâm là rốn bé.
- Hoặc sử dụng chuyển động chèo thuyền ở bụng bé, hai tay mẹ khép đặt nằm vuông góc với bụng bé sau đó di chuyển nhẹ nhàng lên xuống bụng bé.
7. Massage lòng bàn chân cho trẻ sơ sinh
- Massage lòng bàn chân cho trẻ sơ sinh kích thích sự lưu thông mạch máu ở các ngón chân.
- Dùng ngón tay cái xoa và ấn nhẹ lòng bàn chân của trẻ.
- Nắn, xoay lần lượt từng ngón chân của bé 1.
- Lặp lại các động tác trên với tay bên kia.
Trên đây là những lợi ích khi massage cho trẻ sơ sinh và hướng dẫn massage đúng cách các bộ phận trên cơ thể bé để mang lại những công dụng khác nhau. Chúc các mẹ áp dụng thành công để chăm sóc thật tốt cho bé nhé!
Nguồn: Mebeaz.com