7 quy tắc an toàn cho trẻ nhỏ bố mẹ đừng bỏ qua
Trẻ còn quá nhỏ để nhận thức được hết những hành động của bản thân, đôi khi còn gây nguy hiểm cho chính mình. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý, đảm bảo những quy tắc an toàn cho trẻ để tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Cùng Mebeaz theo dõi bài viết này để nắm được hết những quy tắc bảo vệ bé yêu khỏe mạnh, lớn khôn từng ngày nhé!
Nội dung chính trong bài
Không chỉ có lúc ăn, lúc chơi, lúc đi ra ngoài…. mẹ cũng cần chú ý theo dõi, quan sát để bảo vệ an toàn cho bé. Đặc biệt, tuân thủ theo 7 nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc khi ngủ
Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ, nhất là trẻ sơ sinh. Mặc quần áo thoáng mát, dễ cử động. Không được đeo khăn quàng cổ, mũ nón, yếm, quần áo… có dây khi ngủ, tránh tình trạng dây quấn vào người.
Với trẻ sơ sinh, không để quá nhiều chăn gối cạnh trẻ, có thể khiến bé bị ngạt. Nên cho bé nằm giữa bố mẹ hoặc nằm về phía bên trong, không nằm gần mép giường, tránh bị lật ra ngoài, rơi xuống đất.
2. Nguyên tắc khi chơi
Chỉ cho trẻ chơi ở những khu vực an toàn, tránh khu có thể gây nguy hiểm như: nhà bếp, cầu thang, gần lửa, bếp ga, phích nước nóng, những vật sắc nhọn có thể gây thương tích cho trẻ như: dao, kéo… hoặc bàn là, máy sấy tóc, ổ điện…. Đảm bảo đồ chơi của trẻ không chứa những phần rời mà bé có thể tháo ra và nuốt.
Với những gia đình ở chung cư, nhà cao tầng thì không nên để bé chơi gần ban công. Cửa sổ phải có song sắt an toàn. Các tủ trong nhà phải vững chắc, không có nguy cơ đổ đè lên người bé. Tốt nhất, bố mẹ cần trông chừng, không được để bé tự chơi 1 mình hoặc ở nhà 1 mình.
3. Nguyên tắc khi ăn
Tất cả đồ ăn, nước uống của trẻ đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi. Với những thực phẩm trẻ chưa từng ăn bao giờ, cần phải thử cho ăn trước 1 lượng nhỏ để xem có bị dị ứng hay không.
Nếu nghi ngờ con đã ăn phải thứ gì bị ngộ độc, đừng ép trẻ nôn ra hay khiến trẻ phải đi tiêu ra những thứ đó. Hãy đưa con đi khám bác sĩ. Luôn lưu số điện thoại của bệnh viện hoặc phòng khám gần nhà để xin lời khuyên trong trường hợp khẩn cấp.
4. Khi đi ra ngoài
Quy tắc an toàn cho trẻ khi đi ra ngoài là bố mẹ tuyệt đối không được rời mắt khỏi con, để con chạy nhảy lung tung trên đường, dễ bị lạc hoặc tai nạn. Tốt nhất, hãy dạy con cách quan sát, nhìn bên trái, bên phải, đứng gọn vào lề đường, vỉa hè… để tránh xe. Nếu bé đã đủ lớn thì khi ngồi xe máy cũng nên đội mũ bảo hiểm.
Đặc biệt, khi ra ngoài hãy dạy con rằng không được đi theo người lạ. Chỉ đi cùng những người đáng tin như: ông, bà, cô chú trong nhà. Nếu không may bị lạc, hãy chỉ cho con 1 số kỹ năng như: đứng yên một chỗ, tránh đi lại lung tung để người lớn có thể nhanh chóng tìm thấy. Nếu bị lạc trong siêu thị, khu thương mại, hãy hỏi ra quầy lễ tân để nhờ trợ giúp liên lạc với bố mẹ.
5. Quy tắc phòng ngừa đuối nước
Thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong thương tâm do bị đuối nước. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý, quan sát con khi bơi, không để con bơi 1 mình. Với những trẻ nhỏ hơn thì trong nhà cần tháo nước thau, bồn tắm, xô chậu ngay sau khi tắm xong. Nắp bồn cầu, cửa phòng tắm… nên đóng lại. Các nguồn nước trong vườn, ngoài sân phải được rào lại.
Tốt nhất, hãy cho trẻ đi học bơi để phòng ngừa nguy cơ bị đuối nước. Khi cho trẻ bơi ở biển, hồ… cần mặc áo phao và phải có người lớn, cha mẹ trông coi.
6. Khi ngồi ở trên xe
Khi cho trẻ ngồi ở các loại xe đẩy, cần thắt dây an toàn cẩn thận, tránh trường hợp bé nghịch ngợm, trèo ra ngoài và bị ngã. Nếu các con được ngồi ghế của người lớn (xe ô tô), hãy thắt dây an toàn cho con. Phần trên của đai an toàn phải quá ngực và vai của trẻ, không để ở trên cổ, phần dưới của đai nên nằm trên hông. Trẻ dưới 2 tuổi phải được đặt trong ghế ngồi dành riêng cho trẻ, ngược với chiều di chuyển của xe.
7. Quy tắc khi tập các loại xe
Trẻ nhỏ từ 8, 9 tháng trở lên có thể tập các loại xe chòi chân để nhanh biết đi. Tuy nhiên, cha mẹ không được chủ quan, để bé tập 1 mình. Luôn theo sát con để làm chủ tốc độ cũng như tránh trường hợp trẻ phi vào tường hoặc các đồ vật trong nhà, bị ngã.
Với những trẻ lớn hơn, tập xe đạp, giày trượt patin, hãy mua thêm mũ bảo hiểm và nhắc con luôn đội khi lên xe. Xe đạp của con cần được trang bị đèn trước và đèn sau. Trước khi trẻ đi xe, hãy kiểm tra kỹ hệ thống phanh, xích và bánh xe để đảm bảo an toàn cho con.
Trên đây là 7 quy tắc an toàn cho trẻ khi ăn uống, vui chơi, đi ra ngoài…. Những việc thường ngày vẫn xảy ra với con, nhưng chỉ bất cẩn 1 chút đã có thể gây hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn đề cao cảnh giác, cẩn thận mọi lúc, mọi nơi để đảm bảo an toàn cho bé yêu nhé!