Tìm hiểu hồ sơ chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh năm 2020

0 313

Chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh là một phần của chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy cần có điều kiện, thủ tục, hồ sơ gì để hưởng bảo hiểm dưỡng sức? Tham khảo những thông tin về bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh mới nhất dưới đây bạn sẽ có câu trả lời.

Nội dung chính trong bài

Chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh là gì?

Việt Nam là quốc gia có chính sách bảo hiểm rất tốt với quyền lợi bảo hiểm thai sản lên tới 6 tháng nghỉ được trợ cấp sau khi sinh trong khi mức bình quân của thế giới là 3,5 tháng.

Không những vậy, để đảm bảo người lao động có thêm thời gian chăm sóc con nhỏ và phục hồi sức khỏe, luật bảo hiểm 2014 của nước ta còn có điều khoản quy định về bảo hiểm dưỡng sức cho phụ nữ sau khi sinh. Đây là một phần quyền lợi của chế độ bảo hiểm thai sản khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Chế độ dưỡng sức sau khi sinh nằm trong quyền lợi bảo hiểm thai sản
Chế độ dưỡng sức sau khi sinh nằm trong quyền lợi bảo hiểm thai sản

Cụ thể khoản 1, điều 41 luật bảo hiểm năm 2014 có ghi rõ: Trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc ngay sau khi nghỉ chế độ thai sản mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động nữ sẽ được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe.

Vậy điều kiện CẦN và ĐỦ hưởng chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh là gì?

Điều kiện CẦN để hưởng chế độ dưỡng sức sau khi sinh là lao động nữ sinh con hoặc mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Điều kiện ĐỦ là người lao động nữ đó chưa phục hồi sức khỏe và bị tai biến trong lúc mang thai hoặc sinh con. Cụ thể là:

  • Lao động nữ sinh từ 2 con trở lên;
  • Lao động nữ phải sinh mổ;
  •  Lao động nữ sinh thường, bị sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai do bệnh lý, con chết sau khi sinh.

Những quyền lợi trong chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh

Luật bảo hiểm cũng quy định rất rõ về quyền lợi khi hưởng chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh như sau:

  • Lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên sẽ được nghỉ tối đa là 10 ngày;
  • Lao động nữ sinh con nhưng phải sinh mổ được nghỉ tối đa 7 ngày;
  • Các trường hợp khác như sinh thường, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, con chết sau khi sinh sẽ được nghỉ tối đa 5 ngày.

Ngoài số ngày nghỉ, người lao động còn được hưởng tiền trợ cấp bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh bằng 30% mức lương cơ sở cho mỗi ngày nghỉ.

Lưu ý: Quy định về số ngày nên trên là con số TỐI ĐA người lao động có thể hưởng. Còn số ngày nghỉ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh thực tế sẽ do người sử dụng lao động quyết định (thường là ban chấp hành công đoàn của công ty) và có thể thấp hơn số ngày nghỉ tối đa.

Thời gian nghỉ dưỡng sức bao gồm cả ngày nghỉ, lễ tết. Lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm dưỡng sức trong năm nào thì thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ dưỡng sức được tính cho năm đó. Tức là nếu ngày nghỉ dưỡng sức kéo dài từ cuối năm trước sang đầu năm sau thì số ngày nghỉ đó được tính cho năm trước.

>> Xem thêm: Cập nhật chế độ bảo hiểm thai sản khi sinh đôi năm 2021

Cách tính tiền bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh năm 2020

Ngoài ngày nghỉ người lao động còn được hưởng tiền bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh
Ngoài ngày nghỉ người lao động còn được hưởng tiền bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh

Như đã nói ở trên, số tiền bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh mỗi ngày sẽ là 30% mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở thường có biến động theo tình hình kinh tế xã hội. Chẳng hạn:

  • Mức lương cơ sở được áp dụng trước ngày 1/7/2020 là 1.490.000 đồng (có hiệu lực từ 1/07/2019).
  • Từ sau ngày 1/7/2020 mức lương cơ sở sẽ là 1.600.000 đồng (được quốc hội thông qua ngày 12/11/2019). 

Như vậy, tiền bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh cũng có sự thay đổi theo từng năm. Ví dụ: Chị A sau khi nghỉ chế độ thai sản 6 tháng sau khi sinh con thì tới tháng 6/2020 bắt đầu đi làm. Nhưng vì sức khỏe của chị A chưa phục hồi nên công ty của chị A cho chị nghỉ thêm 10 ngày (chị A sinh đôi). 

Ngoài ra, chị A còn được hưởng số thêm một khoản tiền trợ cấp là: 30% x 1.490.000 x 10 = 4.470.000 đồng.

Thủ tục hồ sơ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh cần những gì?

Thông thường, hồ sơ bảo hiểm thai sản dưỡng sức sau khi sinh là do người sử dụng lao động lập. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức thì người sử dụng lao động phải lập danh sách và gửi cho cơ quan bảo hiểm. 

Trình tự thủ tục nộp hồ sơ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh cụ thể như sau:

– Lao động nữ (gọi tắt LĐN) làm đơn xin nghỉ dưỡng sức và nộp cho người sử dụng lao động. Một số đơn vị sử dụng lao động còn yêu cầu người lao động xin thêm giấy nghỉ dưỡng sức sau khi sinh có xác nhận của bệnh viện.

– Đơn vị sử dụng lao động phê duyệt đơn của LĐN hoặc đưa ra quyết định cho LĐN nghỉ có ghi rõ số ngày nghỉ cụ thể.

– Doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện việc báo tăng lao động (do LĐN đi làm lại). Sau khi có kết quả thì mới thực hiện bước tiếp theo.

– Doanh nghiệp sử dụng lao động lập hồ sơ theo biểu mẫu 01B – HSB (theo quyết định 166/QĐ – BHXH) kèm theo các loại giấy tờ khác như giấy chứng nhận đẻ mổ, sinh đôi…  Sau đó nộp lên cơ quan bảo hiểm theo đường bưu điện. 

Hồ sơ nghỉ dưỡng sức sau khi sinh do người sử dụng lao động lập
Hồ sơ nghỉ dưỡng sức sau khi sinh do người sử dụng lao động lập

– Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm là trong vòng tối đa là 6 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động sẽ phải giải quyết và chi trả tiền bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh cho người lao động.

Trên đây là một số vấn đề cần biết về chế độ bảo hiểm dưỡng sức sau khi sinh. Hy vọng sẽ giúp được chị em trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.