Lắng nghe: Hỏi đáp về chứng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh
Trầm cảm sau sinh là hội chứng nguy hiểm có thể giết người nhưng không phải ai cũng hiểu hết về nó. Cùng tìm hiểu thông qua 1 cuộc hỏi đáp về chứng trầm cảm sau sinh để biết tất tần tật từ nguyên nhân đến giải pháp khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh nhé!
Mebeaz đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến hội chứng trầm cảm sau sinh. Chúng tôi xin được tổng hợp lại như sau:
Nội dung chính trong bài
Bị trầm cảm sau sinh là như thế nào?
Hỏi: Cháu đang mang bầu ở tháng thứ 8 và cảm thấy hơi lo lắng vì nhiều người nói phải chuẩn bị tinh thần nọ kia không sau sinh dễ bị trầm cảm lắm. Cháu nghe xong vâng dạ vậy chứ cũng không hiểu bị trầm cảm sau sinh là như thế nào?
Giải đáp từ chuyên gia: Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh. Mức độ trầm cảm có thể nặng, có thể nhẹ, diễn ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài tùy từng người.
Dấu hiệu nhận biết người mẹ bị trầm cảm sau sinh
Hỏi: Cháu mới sinh được 3 tuần. Kể từ ngày có em bé, cháu mệt mỏi, chán nản, không muốn làm gì cũng không muốn nói chuyện với ai. Như vậy có phải là dấu hiệu cháu bị trầm cảm sau sinh không ạ?
Giải đáp từ chuyên gia: Triệu chứng dễ nhận biết nhất khi người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh là cơ thể suy nhược, xanh xao, ốm yếu. Họ thường thường xuyên trong trạng thái lo lắng, mệt mỏi, buồn chán, mất tập trung, nhạy cảm với mọi việc, dễ khóc, dễ cáu giận, tủi thân vô cớ. Đặc biệt, họ trở nên ngại giao tiếp và nghiện mạng xã hội.
Nhiều người bị trầm cảm sau sinh còn có những suy nghĩ hoang tưởng, coi mình là gánh nặng của gia đình, thấy bản thân vô dụng, có lỗi với con hoặc ghét bỏ con. Chính những điều này đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, khiến người mẹ tự tử, thậm chí giết luôn đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Nguyên nhân khiến phụ nữ bị trầm cảm sau sinh là gì?
Hỏi: Dạo gần đây cháu thấy vợ rất khác, kể từ ngày có Chíp, cô ấy tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ, ít nói chuyện với cháu. Hai đứa gần như không có thời gian gần gũi, trò chuyện. Lúc nào cô ấy cũng kêu mệt, động tý thì cáu gắt xong khóc lóc làm ầm ĩ cả lên. Cháu chỉ sợ vợ mình bị lãnh cảm sau sinh nhưng nếu đúng thì cũng không biết lý do là gì vì cả nhà lúc nào cũng yêu thương, chiều chuộng hết mực như vậy?
Giải đáp từ chuyên gia: Sau khi sinh cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi cả về tâm, sinh lý. Sự thay đổi nội tiết tố, tình trạng mệt mỏi sau sinh do mất nhiều sức, những đau đớn do vết mổ hay vết rạch ở tầng sinh môn, thức đêm bỉm sữa chăm con… cũng khiến họ cảm thấy áp lực, căng thẳng.
Bên cạnh đó, những thay đổi tiêu cực về ngoại hình, vết rạn, tăng cân, xấu xí khiến người mẹ bị ám ảnh, tự ti về bản thân. Đặc biệt là khi không nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ người thân, người chồng thì phụ nữ càng dễ bị tổn thương, buồn bã, suy nghĩ tiêu cực.
Bị trầm cảm sau sinh có nguy hiểm gì không?
Hỏi: Chị gái cháu sinh mổ được hơn 1 tháng, trộm vía Sóc rất ngoan, không hay quấy khóc nhưng cháu lại thấy chị ấy có biểu hiện bị trầm cảm sau sinh vì trước đây chị ấy nói rất nhiều, giờ cả ngày chỉ được mấy câu xong lúc nào cũng chỉ ôm điện thoại. Không biết bị trầm cảm sau sinh có nguy hiểm gì không?
Giải đáp từ chuyên gia: Người mẹ bị trầm cảm sau sinh trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ốm yếu. Từ đó không đủ sức cũng như dinh dưỡng để nuôi con. Tâm trạng buồn bã, tiêu cực khiến họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, thậm chí có những hành vi làm tổn hại đến bản thân, có suy nghĩ đến cái chết hoặc làm tổn thương chính đứa con của mình.
Phải làm gì khi bị trầm cảm sau sinh?
Hỏi: Bị trầm cảm sau sinh thì phải làm sao hả bác sĩ ơi? Dạo này cháu thường xuyên thấy người mệt mỏi, chán nản, không muốn làm gì cũng chẳng muốn nói chuyện với ai, kể cả chồng. Nhiều lúc cháu còn giận dỗi, khóc lóc vô cớ nữa. Cháu không biết phải làm sao để cải thiện tình trạng này nữa?
Giải đáp từ chuyên gia: Phụ nữ sau sinh chịu rất nhiều áp lực, đau đớn cả về thể xác, mệt mỏi về tinh thần. Vì vậy, họ cần được sự quan tâm, động viên, chăm sóc từ người chồng, người thân để không bị tủi thân và phải một mình chịu đựng.
Bản thân người mẹ cũng nên có những suy nghĩ tích cực, lạc quan, tập quen dần với những thay đổi hàng ngày như: bỉm sữa, thức đêm khi con quấy khóc, cho con bú… Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý để có sức khỏe tốt để chăm sóc bé yêu.
Hy vọng cuộc hỏi đáp về trầm cảm sau sinh trong bài viết này đã giúp chị em có thêm nhiều thông tin bổ ích để phòng ngừa, chữa trị chứng trầm cảm sau sinh để hưởng trọn niềm vui khi làm mẹ.
Nguồn: Mebeaz.com