Tiêm vắc xin Covid 19 có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?
Cháu mới kết hôn chưa được 1 năm nhưng nhà chồng liên tục giục có em bé. Thôi thì chiều lòng ông bà cũng định “thả cửa” để đón tin vui nhưng tình hình dịch giã thế này, lại lo tiêm vắc xin Covid 19 thì có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?
(Hồng Nhung, 26 tuổi)
Trả lời
Chào bạn Hồng Nhung! Lo lắng của bạn cũng là điều dễ hiểu vì tình hình dịch dã ngày càng căng thẳng, bên cạnh việc thực hiện thông điệp 5K, tuân thủ đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế thì tiêm chủng cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng, cấp thiết, góp phần đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, với 1 số đối tượng như: phụ nữ mang thai, chuẩn bị mang thai hay cho con bú thì có tiêm được không?
Nếu như ở chuyên mục trước chúng tôi đã giải đáp: Đang mang thai có tiêm vắc xin chống covid 19 được không? thì trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về vấn đề:
Tiêm vắc xin Covid có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?
Câu trả lời là KHÔNG. Tính đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng khoa học về việc tiêm vắc xin ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới. Vắc xin Covid 19 không thể can thiệp đến hoạt động của cơ quan sinh sản. Vì vậy, những người đang có ý định mang thai hoàn toàn CÓ thể tiêm vắc xin để ngăn ngừa Covid 19.
Điều này không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giúp bảo vệ, nâng cao sức đề kháng, nếu không may bị nhiễm virus lúc mang bầu, cơ thể đã được tiêm vắc xin cũng có khả năng chống chọi tốt hơn.
Lưu ý khi tiêm vắc xin Covid 19 trước khi mang thai
– Như đã nói ở trên thì phụ nữ có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 trước khi mang thai, liều khuyến cáo là 2 liều, tiêm bắp (0.5ml mỗi liều) các liều, cách nhau 8 – 12 tuần.
– Theo nghiên cứu, sau khi tiêm vaccine covid mũi cuối cùng thì sau đó ít nhất 1 tháng sau, chị em có thể thả để có em bé.
– Nên bổ sung sắt và acid folic trước mang thai ít nhất 1 tháng.
– Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Điều này không có lợi cho sức khỏe cũng như việc thụ thai.
– Đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ sau khi tiêm để cơ thể tăng đề kháng, giảm các phản ứng phụ sau tiêm như: sốt, mệt mỏi, đau mỏi tại vị trí tiêm…
– Theo dõi phản ứng của cơ thể sau tiêm, nếu có điều gì bất thường thì khai báo ngay với nhân viên y tế tại cơ sở gần nhất.
– Điều quan trọng nữa là cần thoải mái tinh thần, thư giãn, thoải mái, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe, giúp ích cho việc thụ thai.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn Hồng Nhung giải đáp được câu hỏi của mình. Chúng tôi xin nhắc lại là việc tiêm phòng vắc xin Covid 19 hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm tiêm chủng để phòng ngừa dịch nhé!