Những biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà 1 mình

0 78

Trẻ con dù ở độ tuổi nào cũng cần có người lớn ở bên cạnh trông nom, chăm sóc để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nếu bố mẹ có việc bận, phải để có ở nhà 1 mình thì sao? Cần có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho con? 

Trong bài viết này, Mebeaz sẽ đưa ra 1 số biện pháp, cha mẹ cần tuân theo khi có ý định để trẻ ở nhà 1 mình. 

Nội dung chính trong bài

1. Đảm bảo con bạn đã sẵn sàng ở nhà 1 mình

Trẻ em từ 10 tuổi trở lên có thể học cách tự chăm sóc bản thân để ở nhà 1 mình trong những trường hợp bố mẹ đi vắng. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc các yếu tố như: trẻ có tự giác làm bài tập hay việc nhà không, biết dùng điện thoại, hay có hiểu các nguyên tắc cha mẹ đặt ra và tuân theo chúng không, có nhận thức được tình huống nguy hiểm không… 

Để con làm quen với việc ở nhà một mình, cha mẹ có thể thử bằng việc cho trẻ ở nhà trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng 15 – 20 phút, nếu trẻ có thể hoàn thành tốt việc ở nhà một mình thì dần dần tăng thời gian lên.

Với trường hợp trẻ dưới 10 tuổi, cha mẹ cần cân nhắc thật kỹ nếu muốn để con ở nhà 1 mình. Tốt nhất, hãy gửi con cho người thân trông nom.

2. Kiểm tra độ an toàn của ngôi nhà

Trẻ nhỏ vốn rất hiếu động và thích khám phá môi trường xung quanh. Vì vậy, khi không có sự giám sát của bố mẹ, hãy đảm bảo môi trường xung quanh bé thật sự an toàn. Đặc biệt là với những gia đình ở chung cư, nhà cao tầng, cần khóa cửa ban công. Các cửa sổ, hành lang cần có song chắn, tránh để trẻ nghịch ngợm, leo trèo, gây nguy hiểm. 

Khi trẻ ở nhà 1 mình, cần đóng cửa khu nhà bếp, nhà tắm, tránh để trẻ tò mò, vào khám phá những vật dụng như: bếp gas, phích nước, đồ nấu nướng, vòi tắm, thau chậu, sàn nhà tắm trơn trượt cũng có thể gây hại cho bé…        

Đảm bảo môi trường xung quanh bé thật sự an toàn

3. Cài đặt camera để theo dõi trẻ từ xa

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà 1 mình, cha mẹ cũng nên cân nhắc đến việc lắp camera tự động để có thể theo dõi trẻ từ xa. Ít nhất, khi không thể ở cạnh con, bạn cũng có thể quan sát, biết được con mình đang làm gì, có đối mặt với nguy hiểm gì không, người lạ có đột nhập vào nhà không… để xử lý kịp thời hoặc nhờ người đến giúp.

Trong trường hợp để trẻ ở nhà 1 mình quá lâu, có thể gọi điện để nói chuyện với trẻ hoặc hướng dẫn con cách tự chăm sóc bản thân, để con vẫn cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Hãy an ủi, khích lệ chúng rằng: “Bố mẹ sẽ sớm về thôi”.

4. Để các đồ vật nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ

Đảm bảo tất cả những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: dao, kéo, bật lửa, phích nước, rượu, thuốc men, các sản phẩm tẩy rửa, hóa chất, thuốc xịt muỗi, sơn… đều ở những nơi mà trẻ không thể thấy hoặc không thể với tới, tránh để chúng tò mò và lôi ra để nghịch ngợm.

Các đồ vật gia dụng hàng ngày như: lò vi sóng, lò nướng… tốt nhất nên để riêng trong phòng bếp và khóa cửa lại khi người lớn không ở nhà. 

Để các đồ vật nguy hiểm ngoài tầm với của trẻ

5. Chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết trong thời gian con ở nhà 1 mình

Muốn trẻ có thể tự chơi ở nhà 1 mình khi không có bố mẹ ở bên, đương nhiên, bạn sẽ phải chuẩn bị cho con những thứ cần thiết, từ đồ ăn, thức uống đến đồ chơi để con có thể giải trí như:

  • Đồ ăn, uống đã được chế biến sẵn và nằm trong tầm với của trẻ.
  • Dán tất cả những số điện thoại quan trọng ở những nơi dễ thấy trong nhà, số của bố mẹ, ông bà và những người đáng tin cậy (cô, dì, chú, bác…). Luôn luôn bao gồm những số 113, 114 và 115 ở ngay đầu danh sách.
  • Để sẵn trong nhà bộ sơ cứu và một chiếc đèn pin ở nơi dễ lấy, phòng khi có việc khẩn cấp như mất điện, bé đứt tay,… Dạy con cách sử dụng những đồ vật đó.
  • Giao cho bé nhiệm vụ khi ở nhà, không nhất thiết là bài tập, có thể là hoàn thành một trò chơi, câu đố nào đó để bé không thấy nhàm chán mà nghịch ngợm.
  • Cho trẻ xem tivi, điện thoại, ipad… nhưng chỉ trong khoảng thời gian nhất định và chỉ xem những nội dung phù hợp với lứa tuổi. 

6. Hướng dẫn con 1 số kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân

Khi trẻ ở nhà 1 mình, không có người lớn bên cạnh, hãy hướng dẫn con 1 số kỹ năng như:

Cảnh giác với người lạ

  • Dạy bé chốt cửa khóa trong an toàn. 
  • Chỉ mở cửa cho ông bà, họ hàng thân thiết với gia đình. 
  • Tuyệt đối không mở cửa cho người lạ. Giả vờ gọi thật to, nếu là kẻ xấu sẽ tưởng có bố mẹ ở nhà và bỏ đi ngay.
  • Trẻ ở nhà một mình có thể mở ti vi hoặc to tiếng để kẻ xấu tưởng có người ở nhà sẽ không dám gọi cửa.
  • Nếu người lạ gọi có lý do như sửa điện nước, bạn bè thì nói bố mẹ không ở nhà, bảo họ quay lại sau.

Dạy trẻ sử dụng điện thoại

  • Hướng dẫn trẻ cách mở điện thoại bằng mật mã và lưu những số quan trọng lên đầu để bé dễ dàng gọi trong trường hợp khẩn cấp. 
  • Khi xảy ra bất cứ sự việc nào mà trẻ không thể tự xử lý, hãy liên lạc ngay với bố mẹ. 
  • Căn dặn trẻ chỉ nghe những cuộc điện thoại có hiện tên.
  • Không vào các trang mạng xã hội để chia sẻ bất cứ thông tin cá nhân nào.
Hướng dẫn trẻ sử dụng điện thoại khi ở nhà 1 mình

7. Đưa ra 1 số quy tắc và yêu cầu con tuân theo

  • Không tự ý sử dụng các đồ điện trong nhà như: lò vi sóng, tủ lạnh, bếp ga….
  • Không lại gần ổ điện, nghịch ngợm ổ điện…
  • Không tự ý rời khỏi nhà. Trừ khi gặp phải những sự cố nguy hiểm như: chập cháy điện
  • Không để người lạ biết trẻ đang ở nhà 1 mình.
  • Luôn nhìn qua lỗ nhòm để kiểm tra có đúng là bố mẹ hoặc người thân không rồi mới mở cửa.
  • Không dùng đến diêm hay bật lửa, không nấu nướng.
  • Không lại gần khu nhà bếp, lan can, ban công, cầu thang….

Tóm lại, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà 1 mình, cha mẹ cần tuân thủ hết tất cả những quy tắc bên trên. Tuy nhiên, không nên rời khỏi nhà quá lâu, hoặc tốt nhất, hãy nhờ người thân đến trông trẻ hoặc gửi trẻ đến nơi khác có sự giám sát cảu người lớn. Đừng vì mải mê kiếm tiền hoặc những phút lơ là, chủ quan của bản thân mà gây hậu quả nghiêm trọng, nguy hại cho trẻ.

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.