Lấy ráy tai cho trẻ: Mẹ có đang làm đúng hay HẠI con?
Lấy ráy tai cho trẻ là việc làm quen thuộc, tưởng chừng vô hại nhưng nếu không cẩn thận có thể mắc phải những sai lầm, hại con, thậm chí ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Cùng Mebeaz theo dõi bài viết này xem mẹ đã làm đúng chưa nhé!
Ráy tai là chất nhầy tự sinh ra trong ống tai, nó thuộc cơ chế tự làm sạch của ống tai, được đẩy từ đĩa đệm tai sang lỗ tai. Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước.
Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Vì vậy, nếu muốn làm sạch thì cũng cần chú ý lấy ráy tai an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, hầu hết các mẹ đều cho rằng ráy tai bẩn, nếu không loại bỏ có thể khiến con bị viêm tai giữa, thậm chí bị điếc. Vì vậy, hầu hết các bà mẹ mắc phải rất nhiều sai lầm khi lấy ráy tai cho con.
Sai lầm khi lấy ráy tai cho con
– Ngày nào mẹ cũng lấy ráy tai cho con.
– Ngoáy tai cho bé bằng que nhựa có quấn bông gòn hai đầu hoặc các dụng cụ lấy ráy tai khác để ngoáy tai. Điều này có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn.
– Sử dụng kẹp tóc, những vật sắc nhọn để lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh. Điều này không chỉ làm trầy xước ống tai mà còn gây nhiễm trùng.
– Đưa dụng cụ ngoáy tay hoặc tăm bông vào sâu bên trong tai của trẻ. Không cẩn thận có thể dẫn đến thủng màng nhĩ, khiến trẻ bị điếc.
Nếu mẹ cũng đang làm như vậy thì là SAI lầm. Dừng lại ngay đi nhé!
Cách lấy ráy tai an toàn cho con
– Chỉ lấy ráy tai cho trẻ trong 2 trường hợp:
- Thứ nhất, khi chúng tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc thăm khám.
- Thứ hai, khi chúng gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này thính lực của trẻ có thể bị giảm. Cảm giác tắc nghẽn hoặc giảm thính lực có thể tăng sau khi trẻ tắm hoặc bơi, do nút ráy tai gặp nước trương to lên.
Khi tai bé bị trầy xước hay đặc biệt là khi đang bị viêm tai giữa, ba mẹ không dùng bông ráy tai hay dụng cụ lấy ráy tai gì khác để ngoáy tai cho bé, bởi chúng có thể gây đau đớn và ảnh hưởng xấu đến tai bé. Tốt nhất, hãy cho con đi khám bác sĩ.
– Để lấy ráy tai an toàn cho trẻ, không đau mẹ chỉ nên làm theo cách sau:
- Dùng một chiếc khăn bông mỏng, mềm thấm nhẹ xung quanh vành tai cho con.
- Sau đó xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn bông và ra ngoài.
- Khăn mềm sẽ không làm hại đến màng tai của bé mà ráy tai vẫn được làm sạch.
– Nếu ráy tai nhiều và khó lấy, mẹ cần làm mềm ráy tai bằng oxy già trước khi lấy ráy tai cho trẻ theo các bước như sau:
- Bước 1: Đặt bé nằm nghiêng, bên tai cần làm vệ sinh nằm ở phía trên. Cho bé xem ti vi hoặc đọc truyện cho bé nghe;
- Bước 2: Dùng bơm tiêm nhựa không kim hút hỗn hợp làm mềm ráy tai đã pha chế;
- Bước 3: Nhỏ hỗn hợp này vào tai cho tới khi ngập ống tai ngoài. Thường cần khoảng 5 -10 giọt. Nên nhỏ từ từ, từng giọt một, để mỗi giọt có thể đi sâu vào trong, làm mềm ráy tai. Giữ bé nằm yên trong 5 phút. Nếu trẻ không phối hợp thì có thể chấp nhận thời gian ngắn hơn.
- Bước 4: Nghiêng đầu bé theo hướng ngược lại để các giọt thuốc chảy ra ngoài;
Lặp lại động tác này 1 lần mỗi ngày trong vòng 3-5 ngày.
Sau ngày cuối cùng, mẹ có thể tiến hành rửa tai cho bé. Đặt bé ngồi thẳng, nghiêng đầu vào bồn rửa hay chậu, dùng bơm tiêm nhựa không có kim bơm nhẹ một chút nước ấm vào tai của bé. Chú ý pha nước đủ ấm, nếu nước quá lạnh hoặc quá nóng có thể khiến bé khó chịu. Lúc này, mẹ có thể thể nhìn thấy những mẩu ráy tai trôi ra ngoài.
Nếu ráy tai rã ra nhiều thì cha mẹ nên tiếp tục nhỏ tai cho bé thêm vài ngày nữa, cho tới khi ráy tai ra hết và được đẩy hoàn toàn ra khỏi ống tai.
Nếu ráy tai chỉ mềm đi mà không rã ra và vẫn nằm trong ống tai thì cha mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ để lấy hoặc hút ráy tai ra ngoài. Cách làm này sẽ khiến ráy tai mềm dễ lấy hơn và không làm bé bị đau rát.
Trên đây là những hướng dẫn giúp lấy ráy tai an toàn cho trẻ. Chúc các mẹ áp dụng thành công để chăm sóc tốt đôi tai, tránh mắc phải những sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến thính giác của trẻ nhé!