Cảnh báo rủi ro khi mang thai ở tuổi 42: Bà mẹ nên làm gì?
Mang thai ở tuổi 42 dù vô tình hay cố ý thì cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Vậy bà mẹ nên làm gì trong tình huống này? Cùng Mebeaz tìm hiểu trong bài viết sau để có câu trả lời nhé!
Nội dung chính trong bài
Những rủi ro mẹ có thể gặp phải khi mang thai ở tuổi 42
Phụ nữ mang thai tâm, sinh lý đều thay đổi, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, ốm nghén, sức đề kháng kém. Hơn nữa, lúc vượt cạn lại phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng. Đặc biệt những người phụ nữ lớn tuổi, cụ thể hơn là mang thai ở tuổi 42 càng gặp nhiều rủi ro:
Sức khỏe của mẹ bị ảnh hưởng khi mang thai ở tuổi 42
– Phụ nữ mang thai ở tuổi 42 sẽ cảm thấy vất vả hơn nhiều so với thời còn trẻ vì sức khỏe của mẹ không còn như trước, sức đề kháng kém, những thay đổi khó chịu trong thai kỳ (từ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ đến sinh hoạt, vận động… ) đều khiến thai phụ cảm thấy bất tiện, khó chịu.
– Dễ mắc các bệnh như: loãng xương, tiểu đường, răng miệng, cholesterol cao… Đây đều là những căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng như chất lượng thai kỳ.
– Bà mẹ mang thai ở tuổi 42 cũng sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như: tiền sản giật, u xơ tử cung, nhau thai bất thường…
– Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tuổi dễ bị tình trạng cao huyết áp trong thời kỳ mang thai: trước 20 tuần (tăng huyết áp mãn tính), sau 20 tuần (tăng huyết áp thai kỳ). Tình trạng này nếu không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới cả mẹ và thai nhi.
– Nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu cũng cao hơn khi phụ nữ mang thai ở tuổi 42, đặc biệt là vào giai đoạn cuối của thai kỳ, do sức khỏe của mẹ yếu và sự hiện diện của các nhiễm sắc thể bất thường ở thai nhi.
– Khi chuyển dạ, do tuổi tác đã cao, người mẹ còn có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật.
– Hơn nữa, ở phụ nữ lớn tuổi, cổ tử cung và khung xương chậu đã trở nên cứng hơn, độ co giãn không còn thích hợp để sinh em bé nên thường gặp khó khăn với cách sinh thường. Hầu hết các mẹ sẽ phải sinh mổ, quá trình phục hồi sức khỏe sẽ lâu hơn.
Bà mẹ mang thai ở tuổi 42 cũng khiến thai nhi gặp nhiều rủi ro
– Thạc sĩ Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ Phú Yên, cho biết, phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi( trên 35 tuổi), con sinh ra rất dễ gặp “vấn đề”, trong đó hay gặp nhất là hội chứng Down, dị tật bẩm sinh hoặc các bệnh liên quan đến hô hấp, tắc nghẽn đường tiêu hóa sớm và ung thư máu ở tuổi ấu thơ.
– Phụ nữ mang thai ở tuổi 42, nguy cơ thai chết lưu cao gấp 3 lần so với tuổi từ 25-29. Do đó thai nhi nên được giám sát chặt chẽ hơn vào cuối kỳ mang thai.
– Trẻ sinh ra có nguy cơ bị sinh non, có trọng lượng thấp, ốm yếu, sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng, xuất huyết não và gặp vấn đề về điều hoà nhiệt độ cơ thể và nồng độ glucose trong máu.
Lời khuyên cho những bà mẹ mang thai ở tuổi 42
Như đã nói ở trên thì bà mẹ mang thai ở tuổi 42 phải đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Vì vậy, thai phụ cần chú ý:
– Ngay khi xác nhận (thử que) là có bầu, mẹ cần đi khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi trong bụng. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con.
– Sau đó, cần đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi, nếu có bất cứ vấn đề gì bất thường thì sẽ được xử trí kịp thời,
– Ngoài ra, bà mẹ mang thai ở tuổi 42 cần chú ý chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho bà bầu từ thịt, cá, trứng sữa… đồng thời nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe.
– Duy trì thói quen tập thể dục, vận động nhẹ nhàng: đi bộ, ngồi thiền hoặc tập yoga…
– Tránh thức khuya thường xuyên, suy nghĩ nhiều khi mang thai, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
Tóm lại, bà mẹ mang thai ở tuổi 42 sẽ có những rủi ro nhất định nhưng cũng là niềm vui, hạnh phúc của bố mẹ. Vì vậy, các mẹ không cần quá căng thẳng. Thay vào đó, hãy chú ý nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần và đến gặp bác định kỳ hay bất cứ lúc nào cơ thể có những biểu hiện bất thường nhé.
Nguồn: Mebeaz.com