Sau sinh ăn lá cúc tần được không? Lợi sữa hay hại sức khỏe?

0 7.167

Ngày nay, lá cúc tần không còn nhiều như trước, nhưng nhiều bà mẹ vẫn thắc mắc không biết sau sinh ăn lá cúc tần có được không, có lợi hay hại gì không? Để trả lời câu hỏi này, mời các mẹ theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Nội dung chính trong bài

sau sinh ăn lá cúc tần
Hình ảnh cây cúc tần

Bà mẹ sau sinh ăn lá cúc tần được không?

Cây cúc tần trước đây mọc dại ở rất nhiều nơi của nước ta. Cúc tần có nhiều tên gọi khác như cây từ bi, đại bi, đại ngải, lức ấn, hoa mai não, phiến ngải… Ở vùng quê, người ta thường trồng cúc tần để vừa làm hàng rào, vừa hái lá non làm rau ăn hàng ngày.

Theo nghiên cứu khoa học, lá cúc tần chứa nhiều tinh dầu và các dưỡng chất khác như photpho, sắt, kali, canxi, vitamin C, chất béo… Như vậy rõ ràng lá cúc tần không chỉ là một loại rau “ăn độn” như các cụ ngày xưa vẫn nói, mà nó còn có thể cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Vậy thì bà mẹ sau sinh ăn lá cúc tần có được không? Câu trả lời là CÓ. Trước đây, các bà các mẹ vẫn sử dụng lá cúc tần như một loại rau lợi sữa hiệu quả (mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rau cúc tần có tác dụng này).

Tuy nhiên với câu hỏi bà bầu có được ăn rau cúc tần không, thì nhiều người lại cho rằng không nên, bởi vì rau cúc tần tính ấm nóng, vị đắng lại hơi cay, có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

sau sinh ăn lá cúc tần
Lá cúc tần có thể là loại rau lợi sữa với bà đẻ sau sinh, nhưng lại bị cho là không tốt với bà bầu

Một số món ăn dân dã mà ngon miệng từ cây cúc tần

Nếu bà đẻ sau sinh ăn lá cúc tần, bà mẹ nên chọn những lá non ở phần búp hoặc lá bánh tẻ vì chúng sẽ ít đắng và dễ ăn hơn. Để thưởng thức loại rau này, bà mẹ có thể chế biến thành một số món ăn như sau:

– Cá diếc kho lá cúc tần: Mùi thơm và vị cay nồng của lá cúc tần sẽ giúp món cá diếc kho vừa không bị tanh, lại vừa có màu sắc bắt mắt và hương vị đậm đà.

Bà đẻ sau sinh ăn lá cúc tần kho cá diếc không chỉ tránh được cảm giác ăn không ngon miệng mà còn là một cách bổ sung rất nhiều dưỡng chất từ cá vào sữa mẹ, giúp con bú mẹ thông minh hơn.

Để làm món cá diếc kho rau cúc tần, bà mẹ chỉ cần rán qua cá diếc, sau đó xếp vào nồi cứ 1 lớp cúc tần lại một lớp cá, cho nước, gia vị và kho đến khi nước sệt lại là được.

– Bánh nếp cúc tần: Giã nhỏ lá cúc tần trộn với bột nếp và nước, sau đó nhào cho bột thật dẻo. Khi nặn thành bánh, bà mẹ có thể chọn nhân ngọt (đậu xanh) hoặc nhân mặn (thịt băm xào mộc nhĩ và hành lá), sau đó hấp chín và thưởng thức. Bánh nếp lá cúc tần là món ăn giúp ấm bụng và lợi sữa, rất tốt cho bà mẹ sau sinh.

sau sinh ăn lá cúc tần
Bánh lá cúc tần vừa ấm bụng, vừa lợi sữa cho bà mẹ sau sinh

Bài thuốc từ cây rau cúc tần cho bà mẹ sau sinh

Trong Đông y, lá cúc tần vị đắng hơi cay, tính ấm, có tác dụng phong hàn, tiêu độc, lợi tiểu, kháng viêm, hoạt huyết, tán uất hỏa. Sau sinh ăn lá cúc tần không chỉ cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, mà loại rau này còn có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau.

– Rễ cúc tần chữa đau khớp: Dùng 15 – 20g rễ cây rau cúc tần, rửa sạch, sắc nước uống hàng ngày.

– Lá cúc tần chữa cảm sốt: Dùng 2 nắm cúc đun với 1 nắm sả, 1 nắm lá chanh uống nóng. Phần còn lại để xông, đắp chăn cho vã mồ hôi.

– Lá cúc tần chữa đau mỏi lưng, chấn thương, bầm dập: Dùng 1 nắm lá cúc tần giã nát, sao nóng với ít rượu, đắp vào chỗ lưng bị đau.

– Lá cúc tần chữa stress, đau đầu: Dùng 50g lá cúc tần đun với 50g hoa cúc trắng, 100g đu đủ chín tới, 100g óc lợn. Ăn ngay khi còn nóng, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 1 tuần.

– Chữa ho: Dùng 20g lá cúc tần, băm nhỏ nấu cháo với 2 nắm gạo, 50g thịt lợn nạc xay, 3g gừng tươi cắt lát. Ăn mỗi ngày 3 lần, liên tục trong 3 ngày.

Mua cây, lá cúc tần cho bà mẹ sau sinh ở đâu?

Ngày nay, cây cúc tần không còn nhiều. Nếu muốn mua lá tươi, thường phải về các vùng quê. Còn nếu mua lá khô, nên đến các nhà thuốc Đông y, tránh mua lá cúc tần trên mạng vì chúng thường không đảm bảo chất lượng.

Lưu ý: Lá cúc tần có tác dụng hạ huyết áp, sau sinh nếu ăn quá nhiều lá cúc tần có thể làm bà mẹ bị tụt huyết áp, dẫn đến ngất xỉu. Do đó nếu muốn ăn cũng chỉ nên dừng ở mức 1 – 2 bữa/tuần để đảm bảo sức khỏe.

Nguồn: Mebeaz.com

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 1]
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.