Đau đầu vì trẻ 3 tuổi ăn vạ: đáng mừng hơn đáng lo?
Trẻ 3 tuổi ăn vạ có thể nằm lăn ra đất rồi khóc lóc, gào thét giữa chốn đông người, có thể đập phá mọi thứ đồ đạc trong nhà, thậm chí là đánh lại cha mẹ, ông bà. Thế nhưng sau tất cả, các chuyên gia lại cho rằng đây là một dấu hiệu… đáng mừng, tại sao lại như vậy?
Xem thêm:
Nội dung chính trong bài
Trẻ 3 tuổi ăn vạ, đáng mừng hơn đáng lo???
Sau khi sinh con, cuộc sống của cha mẹ thay đổi hoàn toàn, áp lực về tâm lý, kinh tế… kéo theo vô vàn stress, khủng hoảng. Chúng khiến bạn đôi khi dễ nổi cáu, giận dữ với những người xung quanh, thậm chí với cả thiên thần bé nhỏ đang nằm trên tay mình. Và bạn có biết rằng, con bạn cũng sẽ phải trải qua những khủng hoảng tương tự như thế?
Tình trạng khó ở, ăn vạ ở trẻ 3 tuổi được gọi chung là “khủng hoảng tuổi lên 3”, hoặc nó cũng có thể đến sớm hơn khi bé mới chỉ 2 tuổi. Lúc này, con bạn từ một đứa trẻ cực kỳ hiền lành ngoan ngoãn bỗng trở nên ngang ngạnh, cố chấp. Chúng thường xuyên đáp “không!” với những lời chỉ bảo của cha mẹ, thậm chí lăn lộn khóc lóc, gào thét trên sàn nhà.
Và, đó thật ra không phải là vấn đề của một mình bạn, mà ở ngoài kia, bất kỳ đứa trẻ 3 tuổi nào, dù trai hay gái cũng sẽ đều như vậy. Trẻ 3 tuổi ăn vạ là một biểu hiện bình thường của quá trình phát triển mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Do đó, hãy mừng khi con bạn bắt đầu biết và muốn thể hiện cái tôi to đùng của mình nhé!
Sai một li, đi một dặm
Dẫu biết tình trạng trẻ 3 tuổi ăn vạ là bình thường, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ mặc, hay ủng hộ nó. Ngược lại, xử lý không khéo léo cũng có thể gây ra những hậu quả không tốt sau này.
Hiện nay, cha mẹ thường có hai hướng khắc phục chính khi trẻ 3 tuổi ăn vạ, đó là đàn áp hoặc chiều chuộng. Đàn áp có thể bằng bạo lực, có thể bằng lời nói. Còn chiều chuộng tức là cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu bé đưa ra. Nhìn chung cả hai đều không phải là cách hay.
Nếu chiều chuộng, tình trạng trẻ 3 tuổi ăn vạ chắc chắn sẽ càng thường xuyên và tồi tệ hơn, bởi trẻ nghĩ rằng đó chính là vũ khí để chống lại cha mẹ, người lớn. Khi lớn lên, trẻ thường ỷ lại, ích kỉ và rất khó hoà nhập vì luôn coi bản thân là “cái rốn của vũ trụ”.
Nếu đàn áp, đòn roi và những lời quát mắng có thể khiến bé trở nên lì lợm và có xu hướng bạo lực sau này, bởi trẻ nghĩ rằng bạo lực chính là cách giải quyết vấn đề. Một số trẻ khác có thể bị tổn thương tâm lý, dẫn đến sự phát triển lệch lạc về nhận thức và nhân cách, đây là điều vô cùng nguy hiểm.
Bởi vậy, trẻ lên 3 biết ăn vạ cũng đáng mừng vì ít ra, đó là một dấu hiệu của sự phát triển bình thường. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều thứ đáng lo vì chỉ cần sai một li thôi sẽ làm hỏng cả tương lai của trẻ sau này.
Một số lời khuyên cho cha mẹ khi trẻ 3 tuổi ăn vạ
Ở độ tuổi lên 3, hầu hết trẻ đã biết nói, đi vững và hiểu được những lời nói của người lớn. Não bộ, các cơ phát triển giúp trẻ bắt đầu hình thành những ý muốn độc lập và sự linh hoạt của chân tay có thể giúp trẻ tự thực hiện được điều đó.
Bởi vậy, có những việc mà cha mẹ muốn giúp đỡ nhưng chúng lại không cần, có những thứ người lớn chỉ bảo nhưng chúng lại liên tục nói “không!” và dùng mọi cách để chống đối. Đó là những biểu hiện thường thấy khi trẻ 3 tuổi ăn vạ.
Trong tình huống này, cha mẹ nên làm theo nguyên tắc “mềm nắn rắn buông”, đặc biệt cần giữ bình tĩnh, nếu không chúng ta sẽ rất dễ “tra tấn” trẻ bằng những lời quát nạt và đòn roi. Cha mẹ có thể tham khảo một số lời khuyên:
– Lắng nghe: Trong mắt bạn, con chỉ là một đứa trẻ lên 3, nhưng chúng đã tự coi mình là người lớn rồi đấy! Thay vì áp đặt, hãy tạo cơ hội để con được bày tỏ ý kiến và tự thực hiện những thứ mà chúng mong muốn. Chúng sẽ cảm thấy được coi trọng và độc lập hơn.
– Không nghiêm cấm: Hầu hết trẻ 3 tuổi ăn vạ có xu hướng thích làm những điều mà người lớn cấm. Vì vậy thay vì nói cấm, hãy giải thích những việc nên và không nên làm với trẻ. Lưu ý chỉ nên thực hiện việc này khi trẻ đang ngoan.
– Thoả hiệp: Nếu những đòi hỏi của trẻ là chính đáng, hãy tạo cơ hội và giúp đỡ trẻ thực hiện điều đó. Trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi khác bất hợp lý, hãy cho trẻ lựa chọn giữa những điều mà cha mẹ có thể chấp nhận được.
– Hình phạt: Dùng khi trẻ quá ương bướng và không chịu thoả hiệp. Hình phạt có thể là không được đi chơi, không được mẹ kể chuyện cho nghe buổi tối, hoặc không được thưởng một món đồ nào đó mà bé yêu thích.
– Đừng quên những lời khen: Đến người lớn cũng muốn được khen ngợi, nên đừng keo kiệt những lời khen với trẻ nhỏ. Chúng giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, được coi trọng, được là người lớn hơn.
Xử lý tình huống trẻ 3 tuổi ăn vạ khi đi mua đồ trong siêu thị
Có thể nói đây là tình huống phổ biến nhất và cũng là tình huống mà cha mẹ dễ nhượng bộ nhất. Con bạn không ngừng gào thét ngoài siêu thị vì một món đồ nào đó mà chúng yêu thích, và vì ngại với mọi người nên bạn miễn cưỡng mua cho chúng. Vậy thì lần sau và những lần sau nữa chúng cũng sẽ làm y như vậy.
Lúc này, hãy bình tĩnh bỏ qua những lời xì xào bàn tán từ đám đông xung quanh và thử thực hiện theo cách sau:
- Trước khi đi siêu thị, hãy thống nhất trước với con những thứ cần mua
- Nhắc lại với con về thỏa hiệp trước đó nếu con khóc lóc, ăn vạ ngoài siêu thị
- Phớt lờ sự ăn vạ của con
- Nếu con vẫn tiếp tục, bạn có thể hỏi tại sao con muốn mua món đồ đó và giải thích lý do không thể mua bây giờ.
- Thỏa hiệp với con rằng mẹ sẽ mua vào dịp khác, chẳng hạn sinh nhật con hoặc khi con đạt được thành tích nào đó. Và bạn cũng nên ghi nhớ lời hứa này của mình.
- Nếu thỏa hiệp không thành công, đưa con ra khỏi khu để đồ hoặc ra ngoài, dừng lại việc mua sắm, kiên nhẫn chờ đợi đến khi con nín khóc, giải thích cho con hiểu vấn đề, nếu con ngừng ăn vạ thì sẽ quay lại siêu thị.
Như vậy, có thể thấy trẻ 3 tuổi ăn vạ là chuyện hết sức bình thường. Cha mẹ đừng vội đánh giá trẻ là hư, mà hãy trang bị cho mình những kiến thức để giúp con vượt qua quãng thời gian khủng hoảng này một cách an toàn nhé!
Nguồn: Mebeaz.com