Trẻ 3 tuổi nói ngọng, chậm nói: Coi chừng câm điếc, tự kỉ
Có không ít cha mẹ than phiền về tình trạng trẻ 3 tuổi nói ngọng hoặc chậm nói. Đây có thể là những biểu hiện sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm mà chỉ có một cách duy nhất là đến gặp bác sĩ mới có thể phát hiện và điều trị được.
Nội dung chính trong bài
Tình trạng trẻ 3 tuổi nói ngọng, chậm nói có phổ biến không?
Thời gian biết nói ở mỗi trẻ không giống nhau, nhưng trung bình sau khoảng 14 tháng là trẻ đã bắt đầu sử dụng được một số từ đơn cơ bản, chẳng hạn như bà, bố, mẹ, măm, ạ… Đến 3 tuổi, hầu hết trẻ đã nói được nhiều từ, nhiều câu thông dụng trong cuộc sống.
Sự phát triển ngôn ngữ không chỉ phụ thuộc vào bản thân trẻ mà còn chịu ảnh hưởng từ đặc tính gia đình và môi trường sống. Điều này có nghĩa là nếu trong gia đình trước đây có người chậm nói, nói ngọng thì trẻ cũng có thể gặp tình trạng tương tự. Và việc giáo dục cũng ít nhiều giúp trẻ đẩy nhanh quá trình phát triển ngôn ngữ.
Nhìn chung tình trạng trẻ 3 tuổi nói ngọng rất phổ biến, bởi trẻ đang trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ. Chúng có thể nói ngọng đến nỗi người lớn không thể dịch nổi ý chúng đang muốn diễn đạt là gì.
Trong khi đó, tình trạng trẻ 3 tuổi chậm nói lại khá ít gặp, nếu đã đến tuổi này mà bé vẫn không thể phát âm và sử dụng một số từ hoặc câu cơ bản (chẳng hạn trẻ chỉ biết biết ơ, a, gào thét) thì có thể nói là không bình thường.
Những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau tình trạng nói ngọng, chậm nói của trẻ 3 tuổi
Trẻ 3 tuổi nói ngọng
“Trẻ lên 3 cả nhà tập nói”, việc trẻ 3 tuổi nói ngọng trong là điều không thể tránh khỏi. Chúng có thể phát âm sai dấu, sai vần, sai âm đầu hoặc cuối, chẳng hạn như “con hó” thay vì “con chó”, “qụa mậng” thay vì “quả mận”, “con ớt” thay vì “con ếch”, “màu xăn” thay vì “màu xanh”…
Đa số chúng ta đều thấy những âm thanh ngọng líu ngọng lô này thật đáng yêu, nhưng không nên cổ vũ mà cần hướng dẫn để trẻ sửa đổi bằng cách khéo léo lặp lại nhiều lần cách nói đúng để trẻ học theo. Cũng không nên cười nhạo sẽ khiến trẻ tự ti, xấu hổ, dẫn đến tình trạng lười tập nói, ít nói và ngọng kéo dài.
Nếu trẻ đã 4 tuổi mà vẫn nói ngọng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra khả năng ngôn ngữ và hướng điều trị. Một số trẻ vì không được sửa đổi đúng phương pháp dẫn đến tình trạng 7 – 8 tuổi vẫn ngọng, điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình học tập sau này.
Trẻ 3 tuổi chậm nói
So với nói ngọng thì tình trạng trẻ 3 tuổi chậm nói đáng lo hơn nhiều. Nó có thể liên quan đến chứng rối loạn tự kỉ, rối loạn hành vi, câm điếc hoặc các rối loạn nghiêm trọng khác.
– Trẻ 3 tuổi chậm nói liên quan đến rối loạn tự kỉ: Các triệu chứng thường xuất hiện trước lúc 3 tuổi nhưng rất khó phát hiện nếu không để ý kỹ. Ngoại trừ việc chậm nói, trẻ tự kỉ còn bị hạn chế những kỹ năng về tương tác xã hội và hành vi khác, chẳng hạn như sự rập khuôn, nghi thức, lặp đi lặp lại. 70% trẻ rối loạn tự kỉ có kèm theo chậm phát triển trí tuệ.
– Trẻ 3 tuổi chậm nói liên quan đến câm điếc: Có thể nhận biết sớm qua các mốc phát triển trước khi trẻ được 3 tuổi.
- Không hóng chuyện lúc 2 tháng
- Không quay về hướng có âm thanh lúc 4 tháng
- Không cười tự phát lúc 6 tháng
- Không nói được từ đơn lúc 2 tuổi
- Không nói được câu cơ bản lúc 3 tuổi.
Ngoài ra nếu trong gia đình từng có người bị câm điếc, có thể phát hiện sớm khi trẻ mới được 2 – 3 ngày tuổi thông qua phương pháp test phản ứng với âm thanh. Do đó nếu có bất cứ nghi ngờ nào, đừng ngần ngại cho con đi khám càng sớm càng tốt.
– Trẻ 3 tuổi chậm nói liên quan đến rối loạn hành vi: Nhận biết qua các triệu chứng giận dữ thái quá, có xu hướng bạo lực, phá phách đồ đạc có chủ đích.
Trẻ 3 tuổi chậm nói hoặc nói ngọng có điều trị được không?
Trẻ 3 tuổi nói ngọng sinh lý bình thường rất dễ khắc phục nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình. Để làm được điều này không khó, mà chỉ cần cha mẹ, người lớn thường xuyên sửa đổi, động viên con là được.
Còn tình trạng trẻ 3 tuổi chậm nói lại khó khắc phục hơn, đôi khi là phải điều trị bằng thuốc, tâm lý, vật lý trị liệu… kéo dài, thậm chí có trường hợp vĩnh viễn trẻ không thể nói chuyện như người bình thường.
Do đó, việc cần làm là các bậc phụ huynh hãy theo dõi sát sao các mốc phát triển theo từng lứa tuổi của con để có thể phát hiện, điều trị trước khi quá muộn.
Nguồn: Mebeaz.com