Cách dạy trẻ nhận biết các mối nguy hiểm để tránh tai nạn xảy ra
Trẻ nhỏ luôn hiếu động, thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh mà không biết rằng bản thân có thể gặp nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ cách nhận biết các mối nguy hiểm để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Cùng Mebeaz theo dõi bài viết này để nắm được các cách nhé!
Nội dung chính trong bài

Cha mẹ không thể lúc nào cũng giám sát, trông chừng con mọi lúc, mọi nơi, hơn nữa những lúc bận rộn, trẻ cũng phải tự chơi 1 mình. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng tránh tai nạn là dạy trẻ nhận biết các mối nguy hiểm. Bằng các cách sau:
Hãy chỉ cho trẻ nhận biết về những nguy hiểm
Trẻ có thể đến bất cứ đâu, nghịch bất cứ thứ gì mà trẻ nhìn thấy, không cần biết là chúng có an toàn không. Vì vậy, việc của cha mẹ là chỉ cho con biết:
Những nơi nguy hiểm
Nhà bếp (có bếp ga, bình ga, phích nước nóng, đồ điện gia dụng như lò vi sóng, lò nướng…. nhà tắm, hành lang, cầu thang, ban công, đặc biệt là với những nhà ở chung cư, nhà cao tầng. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn trẻ nhỏ rơi từ ban công của chung cư.
Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý: Quy tắc an toàn khi ở nhà chung cư.
Những đồ vật nguy hiểm
Bật lửa, dao kéo, ổ điện, các thiết bị điện, rèm cửa, cốc, chai lọ thủy tinh, các vật dụng chứa nước, hóa chất, chất tẩy rửa…. Trẻ cần đặc biệt tránh xa những vật dụng này.
Danh sách 12 vật dụng quen thuộc nhưng gây nguy hiểm cho trẻ
Những việc làm nguy hiểm
Chơi ở những nơi nguy hiểm, nghịch các đồ vật nguy hiểm như dao, kéo, đồ điện, sử dụng bếp ga, đồ điện…. nghịch nước hay đi ra ngoài mà không có sự giám sát của bố mẹ… đều là những việc trẻ không được làm.
Không được tự ý đi theo người lạ, nhận quà từ người lạ hoặc tiết lộ thông tin cá nhân cho người lạ biết. Hãy dạy trẻ: Kỹ năng đảm bảo an toàn khi gặp người lạ.

Đưa ra những tình huống
Nếu chỉ nói mà không đưa vào thực tế, trẻ sẽ không hiểu hoặc không nhớ được. Vì vậy, hãy đưa ra các tình huống để trẻ ý thức được những gì mình nên và không nên làm.
Ví dụ: đưa ra tình huống trẻ nghịch các đồ vật sắc nhọn sẽ bị đứt tay, nghịch phích nước nóng sẽ bị bỏng, chơi ở hành lang, ban công sẽ bị ngã…. Hoặc đóng vai người lạ và nói những điều khiến trẻ không hài lòng, sợ hãi…. để trẻ ý thức được tiếp xúc hoặc đi theo người lạ sẽ gặp nguy hiểm như thế nào.
Nhắc nhở trẻ thường xuyên
Trẻ em mải chơi, nghịch ngợm và hay quên lời người lớn nói. Vì vậy, cha mẹ hãy thường xuyên nhắc nhở trẻ những điều quan trọng như:
- Những nơi nguy hiểm không được đến
- Những việc nguy hiểm không được làm
- Những tình huống giả định để trẻ nhận biết nguy hiểm
- Số điện thoại của cha mẹ để gọi trong trường hợp cần thiết
- Những người mà trẻ có thể tin cậy
Sự lặp đi lặp lại này sẽ giúp trẻ luôn nhớ những điều quan trọng và biết nên làm gì nếu chẳng may trường hợp đó xảy ra.

Dạy trẻ sử dụng bản năng tự nhiên
Trẻ nhỏ đôi khi còn thông minh, nhanh nhạy hơn cả người lớn. Vì vậy, hãy dạy trẻ sử dụng các giác quan, trực giác của mình để nhận biết các mối nguy hiểm. Hướng dẫn trẻ cách quan sát sự việc xung quanh, nếu cảm thấy không an toàn thì cần nói cho cha mẹ hoặc người lớn biết, yêu cầu được giúp đỡ khi cần.
Đặc biệt, dạy trẻ nhận biết về thân thể của mình, tuyệt đối không cho người lạ đụng chạm, nhất là những bộ phận nhạy cảm như: ngực, bộ phận sinh dục… Nếu có người cố tình muốn xâm phạm, hãy tránh xa họ và báo cho bố mẹ, người lớn, thậm chí có thể hét lên để họ dừng ngay hành vi đó lại.
Trên đây là những cách quan trọng để trẻ nhận biết các mối nguy hiểm. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cũng như nhắc nhở thường xuyên để trẻ coi đó là quy tắc. Bên cạnh đó, dù trẻ ở độ tuổi nào, ở đâu, làm gì thì cha mẹ cũng cần chú ý coi chừng, giám sát trẻ thường xuyên để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ.