Trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm, khóc và trằn trọc khó ngủ có phải là bị bệnh?
Tình trạng trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm rồi khóc và trằn trọc khó ngủ khá phổ biến. Đây có phải là biểu hiện bệnh lý gì không? Cha mẹ có cần đưa bé đi khám và điều trị không? Bài viết kì này của Mebeaz sẽ giúp các mẹ giải đáp, hãy cùng theo dõi nhé!
Nội dung chính trong bài
Mẹ trẻ lo lắng vì trẻ 3 tuổi hay đái dầm ban đêm, khóc đêm, trằn trọc khó ngủ
Con tôi năm nay đã 3 tuổi, cháu đi học mẫu giáo, ban ngày biết tự đi vệ sinh nhưng cứ đêm là lại tè dầm. Thường thì một đêm cháu đi 1 lần nhưng có đêm đến 2 lần.
Mỗi khi đái dầm xong cháu đều tỉnh giấc và quấy khóc rất lâu, sau đó trằn trọc khó ngủ lại, hoặc ngủ thì cũng chập chờn không được sâu giấc. Thành ra sáng hôm sau cháu thường rất khó đánh thức, cô giáo nói đến lớp cháu còn ngủ gật. Tôi có hạn chế cho cháu uống sữa và nước trước khi đi ngủ nhưng đến đêm vẫn tè dầm.
Vì không biết làm thế nào nên tôi buộc phải đóng bỉm ban đêm, cháu ngủ ngon hơn và không dậy khóc nữa. Nhưng tôi lo trời nóng mà đóng bỉm suốt đêm cháu sẽ bị hăm.
Tôi đã hỏi bạn bè có con cùng lứa tuổi, có cháu vẫn tè dầm còn có cháu lại biết gọi mẹ khi buồn tè. Tôi không biết tình trạng trẻ 3 tuổi hay đái dầm ban đêm rồi khóc và trằn trọc khó ngủ như vậy có bình thường không? Tôi có cần đưa cháu đi khám không?
Trẻ 3 tuổi hay đái dầm ban đêm, trằn trọc khó ngủ, khóc lóc có phải là bệnh không?
Khi mới sinh, trẻ thường đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, số lần sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
Đến khoảng 2 tuổi, đa phần trẻ đã biết gọi người lớn khi muốn đi tiểu vào ban ngày, trừ trường hợp trẻ quá mải chơi thì vẫn dễ tè ra quần. Trong độ tuổi này, hầu hết ban đêm con vẫn cần mang bỉm vì không thể tự chủ được ý muốn, hoặc không thể thức giấc khi buồn tiểu vào ban đêm.
Đến 3 tuổi, trẻ gần như không còn tè ra quần vào ban ngày. Tuy nhiên, tình trạng trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm vẫn khá phổ biến. Phần lớn đều không phải là bệnh, mà chỉ là do trẻ chưa tự chủ được ý muốn của bản thân. Và có một điều thú vị mà hầu hết chúng ta đều đã trải qua, đó là thỉnh thoảng tình trạng đi tiểu ban đêm sẽ diễn ra song song cả ở trong giấc mơ và ngoài đời thực.
Một số trẻ 3 tuổi đái dầm và quấy khóc ban đêm, trằn trọc khó ngủ do ảnh hưởng từ tâm lý, chẳng hạn như ban ngày bị người lớn, cô giáo quát mắng, bị bạn bè bắt nạt.
Đến khoảng 4 tuổi, tình trạng đái dầm ban đêm sẽ giảm rất nhiều, và có thể chấm dứt hoàn toàn khi trẻ được 5 tuổi.
Trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm là sinh lý bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng một số trẻ sau khi tè dầm lại khóc lóc, sau đó trằn trọc khó ngủ. Tình trạng này có thể do trẻ bị người lớn trách mắng sau khi đái dầm, trẻ đái ướt quần, chăn gối phải thay giặt mất thời gian khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Trẻ 3 tuổi khóc đêm và trằn trọc khó ngủ sau khi đái dầm sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của ngày hôm sau, bởi buổi sáng (trong khoảng từ 6 đến 9 giờ) thường khó đánh thức, hoặc nếu có đánh thức miễn cưỡng thì sau đó cũng khó tỉnh táo như bình thường. Đó cũng không phải là bệnh, nên không cần phải lo lắng. Giống như người lớn, đêm không ngủ được thì ban ngày sẽ mệt mỏi, lờ đờ và hay cáu gắt thôi.
Khi nào tình trạng trẻ 3 tuổi đái dầm là bệnh?
Có một số trường hợp trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm liên quan đến một số bệnh lý như nhiễm giun kim, bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu… Nếu gặp phải, trẻ thường quấy khóc nhiều hơn cả ban ngày và ban đêm, hoặc kèm theo một số triệu chứng khác như đau bụng, biếng ăn… Để phát hiện, chỉ có một cách duy nhất là cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ và đưa đi gặp bác sĩ khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ.
Làm gì khi trẻ 3 tuổi tè dầm ban đêm?
Trẻ 3 tuổi tè dầm ban đêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của cha mẹ, nên một số bậc phụ huynh có thể cảm thấy bực bội khi phải thức dậy thay quần áo, chăn chiếu, ga gối… Nếu không thể kiềm chế, chúng ta dễ dàng trách mắng trẻ, và điều đó khiến trẻ sợ hãi, khóc lóc, rồi trằn trọc khó ngủ tiếp.
Một số trường hợp, những lời trách mắng này có thể làm tổn thương tâm lý trẻ, dẫn đến cảm giác sợ hãi và tè dầm càng kéo dài.
Do đó, khi trẻ tè dầm, hãy tự nhủ rằng đây là hiện tượng bình thường, bất cứ đứa trẻ 3 tuổi nào ngoài kia cũng sẽ có lần như thế. Bình tĩnh xử lý “hậu quả”, sau đó nhanh chóng ổn định lại không khí để trẻ có thể an tâm ngủ tiếp.
Có thể sử dụng bỉm ban đêm cho trẻ. Nếu trẻ bị hăm, nên xem xét thay đổi loại bỉm và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ vào sáng hôm sau.
Cách hạn chế tình trạng trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm
Những cách này có thể hạn chế, nhưng khó khiến tình trạng trẻ 3 tuổi đái dầm ban đêm chấm dứt hoàn toàn.
– Hạn chế cho trẻ uống nước hoặc ăn đồ ăn nhiều nước vào buổi tối. Nên phân bổ lượng nước trong ngày ra sáng – chiều – tối theo tỉ lệ 40% – 40% – 20%.
– Cho trẻ đi ngủ theo giờ cố định và luôn nhắc trẻ đi tè trước khi ngủ.
– Nếu trẻ thức dậy vào ban đêm (có thể do buồn tè), hãy nhanh chóng đưa trẻ đi vệ sinh.
Ngoài tình trạng tè dầm, trẻ 3 tuổi còn gặp nhiều rắc rối khác như biếng ăn, ăn vạ, chậm nói hoặc nói ngọng. Các mẹ có thể theo dõi thêm chia sẻ của Mebeaz về vấn đề này qua các bài viết:
Làm gì khi trẻ 3 tuổi biếng ăn, ngậm, nôn đồ ăn?
Nguồn: Mebeaz.com